Đủ kiểu giá pi 

Chủ tài khoản Facebook M.T.K. khoe trên trang cá nhân của mình rằng, vừa được chủ một quán phở trên đường Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1 chấp nhận thanh toán tiền hai tô phở bằng 0,2 pi thay vì phải trả bằng tiền đồng. Quán này còn treo thông báo “chấp nhận đồng thuận trao đổi pi với giá 0,5 pi/tô phở”. 

Sáng 21/7, chúng tôi đến quán phở này thì không thấy tờ thông báo như trên. Nhân viên cho biết, chủ quán có đào (khai thác) tiền pi nên có chấp nhận cho đối tác, bạn bè thanh toán bằng loại tiền này, còn với khách bình thường thì vẫn giao dịch bằng tiền đồng. “Nếu em muốn thanh toán hoặc tìm hiểu thì cứ gặp mặt chủ quán” - nhân viên tại đây hướng dẫn. 

Hiện phở ở quán này có giá từ 60.000-100.000 đồng/tô, tùy loại thường hay đặc biệt. Nếu chủ tài khoản M.T.K. ăn hai tô phở đặc biệt, có giá 100.000 đồng/tô, được tính 0,2 pi thì giá trị pi được chủ quán chấp thuận là khoảng 1 triệu đồng/pi. Còn chiếu theo giá ghi trên tờ thông báo là 0,5 pi/tô phở thì mỗi pi có giá khoảng 120.000 - 200.000 đồng. 

Một điểm bán hàng dán logo tiền pi lên hàng hóa - ẢNH: THANH HOA
Một điểm bán hàng dán logo tiền pi lên hàng hóa - ảnh: Thanh Hoa

Cửa hàng “Nông sản Việt, trao đổi tạo giá trị pi” trên đường Thái Phiên, P.8, Q.11 cũng vừa đăng lên fanpage (trang trên Facebook) hình ảnh một chiếc mô tô hiệu Z1000 được dán đầy logo biểu tượng đồng tiền pi. Nhiều người đã bình luận hỏi giá, đề nghị được trao đổi bằng tiền pi. Ngoài xe máy, toàn bộ nông sản trưng bày ở cửa hàng này đều được dán logo hình đồng tiền pi.

Theo lời giới thiệu trên fanpage, cửa hàng này đang liên kết với trang expresspi.com - một nền tảng giống như các trang thương mại điện tử ở Việt Nam - cho phép các cửa hàng đăng ký giao dịch, buôn bán nhưng thanh toán bằng pi thay cho tiền đồng. Nếu người bán đăng ký và bán hàng thành công, mỗi đơn hàng sẽ được thưởng hoa hồng khoảng 10%. “Nhờ liên kết với trang expresspi.com, tới đây, sẽ có vài cửa hàng kinh doanh máy tính, điện thoại đem sản phẩm đến ký gửi chỗ chúng tôi”, chủ cửa hàng này quảng cáo. 

Sau khi chọn mua vài sản phẩm, tôi đề nghị thanh toán bằng pi. Chủ cửa hàng cho biết, hiện chưa chấp nhận thanh toán bằng pi do đang chờ đồng tiền này được tích hợp vào hệ sinh thái và có mức đồng thuận chung. Người này khẳng định, chỉ từ 1-3 tháng tới, trễ nhất là đến cuối năm nay, tiền pi sẽ có mức giá đồng thuận và được chấp nhận giao dịch ở Việt Nam. 

Chủ cửa hàng này nói: “Tại Việt Nam, hiện giờ, người ta trao đổi ở mức 33.000 đồng/pi, nhưng một chủ cửa hàng tạp hóa ở H.Hóc Môn nhận thanh toán với mức 314 USD/pi (tương đương 7,35 triệu đồng/pi). Một chủ spa ở TP.Hà Nội đồng thuận giá 7 triệu đồng/pi. Còn ở Trung Quốc, một số cửa hàng trưng bày ô tô đang đồng thuận mức giá từ 6.700 USD đến 314.000 USD/pi (tương đương 156 triệu đến 7,35 tỷ đồng). Hiện mỗi người sở hữu pi đang đồng thuận mức giá khác nhau, ai đưa ra được thỏa thuận thì đổi pi lấy hàng hóa”.  

Trên mạng xã hội Facebook, các trang, nhóm “Pi Network Shopping Center”, “Trao đổi hàng hóa Pi Network - Pi Node”, “Pi Network Việt Nam”… đang tràn ngập lời rao chấp nhận thanh toán bằng tiền pi nhưng dùng cụm từ “trao đổi hàng hóa với pi” để lách luật. 

Quán phở thông báo chấp nhận thanh toán bằng pi
Quán phở thông báo chấp nhận thanh toán bằng pi

Mỗi chủ dịch vụ nêu một giá pi khác nhau. Trang web pimarket.pro đang niêm yết giá hàng loạt sản phẩm điện tử, đồng hồ, sữa tắm, thực phẩm bằng giá pi thay vì tiền đồng. Chẳng hạn, giá chai sữa tắm L’Occitane Cherry Blossom 250ml được niêm yết là 0,030 pi, giá chai sữa non Alpha Lipid Lifeline của New Zealand là 0,060 pi, MacBook Pro 13 giá 1.520 pi. Nếu quy đổi sản phẩm theo giá thị trường thì giá pi của trang web này là 16,4 triệu đồng/pi. 

Trong khi đó, chủ tài khoản N.T.D. trên Facebook rao bán yến hũ chưng sẵn, chấp nhận thanh toán giá 2 pi/hũ yến, 20 pi/hộp yến 9 hũ. Hiện giá yến tại đây 540.000 đồng/hộp 9 hũ nên giá 1 pi chỉ tương đương 30.000 đồng. Một chủ tài khoản khác đăng bán một bếp từ cao cấp nhập từ Đức với giá 58,2 pi, tức mỗi pi tương đương 766.000 đồng. Một số chủ fanpage, chủ tài khoản trên Facebook rao bán xe SH150 giá 73,5 triệu đồng, đổi lấy 14 pi, tức mỗi pi tương đương 5,2 triệu đồng. Hiện một số chủ dự án khu sinh thái nghỉ dưỡng, biệt thự nhà vườn cũng cam kết chấp nhận thanh toán bằng tiền pi trong tương lai. 

Giá pi đang bị thổi phồng

Do tiền pi được quảng bá rầm rộ nên nhiều người đổ xô đào đồng tiền này. Muốn đào tiền ảo bitcoin, người đào phải đầu tư nhiều máy móc, tiêu tốn năng lượng (điện), công sức. Trong khi nếu muốn đào pi, người đào chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, khai báo thông tin cá nhân và mỗi ngày đăng nhập, thực hiện một số thao tác. Phiền toái lớn nhất mà nhiều người đào pi phản ánh là họ phải xem nhiều loại quảng cáo. Nhiều người nghi ngờ rằng, nhà phát hành đồng tiền này chủ yếu đang kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo. 

Anh Minh Chiến - một người đang đào tiền pi - cho biết: Trước đây, người đào chỉ cần tải ứng dụng (app), nhập mã giới thiệu, mỗi ngày có thể đào được 6 pi. Về sau, để giao dịch hàng hóa bằng pi, người đào phải đăng ký tài khoản, xác minh danh tính bằng cách cung cấp thông tin căn cước công dân, cho phép ứng dụng đọc danh bạ trên điện thoại, xem thông tin mạng, sinh trắc học gương mặt, vân tay, kiểm soát trạng thái mạng. Nhưng kể từ khi xác minh danh tính, số pi đào được rất hiếm hoi, cả tháng chỉ được 3 pi. “Nhưng nếu tôi mời được nhiều người tham gia mạng lưới con, người tham gia sau nhập mã giới thiệu của tôi thì số pi mà tôi đào được sẽ nhiều lên. Số pi của tôi trên hệ thống là 7.000-8.000 nhưng trong tài khoản chỉ khoảng 2.000 pi”, anh Chiến cho biết. 

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, người đào pi đang bị mất thông tin cá nhân, mất công sức để lôi kéo người khác cùng đào trong khi người tạo ra tiền pi đang ngồi không, hưởng tiền quảng cáo. Những người tạo ra pi đang vẽ ra cơ chế gọi là “đồng thuận giá”, yêu cầu người tham gia tự thỏa thuận giá thông qua việc trao đổi hàng hóa lấy pi để minh chứng cho sự ủng hộ tiền pi. 

“Hiện có nhiều người đang thổi phồng sự đồng thuận giá cao, chứng minh tiền pi đang có giá để thu hút các nhà đầu tư gom pi bằng hàng hóa, sau đó đổi pi lấy tiền. Kẻ đứng sau đang có một lượng pi lớn, khi bán hết pi cho những nhà đầu tư ham lời thì sẽ cao chạy xa bay với kịch bản sập app”, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích. 

Hình thức mua bán hàng hóa bằng tiền pi cũng giống như phương thức mà app MyAladdinz quảng cáo trước đây. MyAladdinz cũng kết nối các chủ bán hàng và khách hàng với nhau, người mua sản phẩm lấy hàng hóa rồi trả bằng gem thay vì trả bằng tiền thật, mỗi gem tương đương 23.000 đồng. Chủ app MyAladdinz hứa hẹn đồng gem sẽ tăng giá, ai sở hữu càng nhiều gem, càng lời. Không lâu sau đó, app này bị sập, nhiều người không truy cập được.  

Không được sử dụng pi để giao dịch 

Các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay chỉ gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiền ảo pi là phương tiện thanh toán không hợp pháp. Những thông tin quảng cáo ở trên là không đúng quy định. Việc cho phép dùng tiền ảo pi để thanh toán như các điểm bán hàng đang rao là vi phạm pháp luật về thanh toán, tiền tệ, tín dụng. Do đó, người dân không được sử dụng đồng tiền này để giao dịch, mua bán hàng hóa. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM 

 

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)