Cụ thể, theo chia sẻ từ một diễn viên nổi tiếng: “Khi số máy này (Flash AI) gọi đến, ta chỉ cần bấm nhận cuộc gọi là mất hết tiền trong tài khoản vì nó là trí tuệ nhân tạo có khả năng lục tìm mọi bí mật trong điện thoại của ta, mà nó tập trung tìm trong app banking, lấy mật khẩu để chuyển hết tiền từ tài khoản ngân hàng của ta qua tài khoản của bọn hackers”. 

Thông tin trên khi được phát đi ngay lập tức đã thu hút hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ của dân mạng. Tuy vậy, theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia - NCSC), thông tin trên là không chính xác. 

Thông tin nghe cuộc gọi rác có thể bị AI lục tìm thông tin, mất tiền tài khoản ngân hàng là không chính xác. 

Chia sẻ với VietNamNet, ông Hiếu cho biết, thời gian gần đây một số người dùng nhận được cuộc gọi có tên người thực hiện là FlashAI. Đây thực chất là một cuộc gọi giả danh brandname. Mục đích của kẻ xấu là đánh lừa người dùng, sau đó dẫn dụ họ vào các trang web độc hại, spam, quảng cáo. 

“Người dùng chỉ mất tiền khi thực hiện thao tác theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo. Không thể nào chỉ nghe máy mà mất tiền trong tài khoản được”, chuyên gia Ngô Minh Hiếu khẳng định. 

Lý giải cụ thể hơn, ông Hiếu cho hay, kẻ xấu thực hiện việc phát tán các cuộc gọi rác này bằng một số dịch vụ voice brandname được cung cấp trên Internet, thậm chí ở trên dark web (thế giới ngầm trên mạng).

Các cuộc gọi lừa đảo giả danh brandname là một chiêu trò mới. Trước đó, theo ghi nhận của Cục Viễn thông, tại Việt Nam chỉ xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn - Robocall. Các cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào dịch vụ rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, dịch vụ tài chính, học tiếng Anh…

Người dùng cần tỉnh táo, cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi từ người lạ. 

Khẳng định lại một lần nữa, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho biết, về mặt kỹ thuật, khi người dùng nghe một cuộc gọi rác, dù được thực hiện bằng AI, nếu không làm theo hướng dẫn, chắc chắn kẻ xấu sẽ không thể lục lọi thông tin hay đánh cắp tiền trong tài khoản.

Bên cạnh các cuộc gọi mạo danh brandname, gần đây còn xuất hiện nhiều cuộc gọi với chung kịch bản là chiêu lừa “con cấp cứu ở viện”. Ở vụ việc này, kẻ xấu đã sử dụng sự sợ hãi như một thứ vũ khí để đánh đòn tâm lý đối với các vị phụ huynh khiến họ thực hiện việc chuyển tiền theo hướng dẫn của mình.

Trước thực trạng các cuộc gọi lừa đảo có dấu hiệu ngày càng gia tăng, người dùng cần cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ những số máy lạ. Cần tuyệt đối tỉnh táo, chậm lại một nhịp để xác minh thông tin và không thực hiện theo yêu cầu ngay lập tức là những điều kiện tiên quyết để tránh sập bẫy của những kẻ lừa đảo.