Chú hươu gây chú ý ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nguồn: Thuận Hà

Chú hươu độc lạ ở Hà Tĩnh

Gia đình bà Chu Thị Hồng Hà (52 tuổi, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có một trang trại nuôi hươu và một cơ sở sản xuất chế biến nhung hươu. Như bao hộ dân làm nghề nuôi hươu, trang trại của bà luôn mở cửa miễn phí cho du khách vào tham quan, mua sắm. 

Những ngày qua, trang trại của bà Hà có lượng khách tham quan tăng đột biến. Họ đến đây để tận mắt xem chú hươu đi bằng 2 chân và cho người lạ cưỡi. 

anh 3 chu huou di hai chan.jpg
Ông Thuận và chú hươu độc lạ biểu diễn cho du khách xem. Ảnh cắt từ clip

Hươu vốn có bản tính nhút nhát, nghe tiếng động thường hoảng hốt và bỏ chạy. Tuy nhiên, chú hươu của bà Hà không sợ người lạ khiến nhiều người tò mò.

Bà Hà cho biết, sau khi kết hôn cùng ông Phạm Đức Thuận (60 tuổi), bà cùng chồng phát triển nghề nuôi hươu. Tính đến nay, bà có 33 năm chăn nuôi hươu nhưng lần đầu thấy có chú hươu độc lạ như thế.

Con hươu được vợ chồng bà Hà mua lại từ trang trại Song Con (huyện Hương Khê) cùng với 22 con hươu khác vào năm 2016.

Chú hươu này nhỏ và hiền hơn những con khác. Mỗi lần cho ăn, ông Thuận thường vuốt ve, nói chuyện với nó. Ông gần gũi, tập luyện, giúp chú hươu ngày càng dạn dĩ hơn. 

Cho đến một ngày, ông Thuận ngạc nhiên phát hiện chú hươu biết giơ 2 chân trước lên, trong lúc ăn sẽ cho người cưỡi.

“Thông thường, hươu được thả ra khỏi chuồng sẽ chạy đi mất. Tuy nhiên, con hươu này dạn hơn. Nếu được thả ra, nó sẽ thoải mái vui chơi với chủ, du khách. 

Với những con hươu khác, chồng tôi cũng vuốt ve, trò chuyện nhưng chúng vẫn không thân thiện, chỉ dừng lại ở mức không phá chuồng”, bà Hà kể.

Ông Thuận có đam mê kỳ lạ với chăn nuôi và trồng trọt. Quanh năm, vợ chồng ông không đi đâu, chăm chỉ làm việc ở trang trại. Giữa đêm, ông vẫn mở camera nhìn chuồng hươu, rồi mới yên tâm đi ngủ.

Mỗi lần cho ăn và chơi với hươu, ông Thuận quay phim hoặc phát trực tiếp trên trang cá nhân. Từ đó, nhiều người biết đến và chia sẻ về chú hươu độc lạ trên mạng xã hội.

anh 1 chu huou di hai chan.jpg
Bà Hà cho con hươu biết đi bằng 2 chân ăn. Ảnh: Thuận Hà

Bà Hà chia sẻ: “Hôm trước, một em bên đài truyền hình xuống quay con hươu đó. Sau khi phát sóng, thông tin về chú hươu được mọi người chia sẻ rầm rộ. 

Du khách đến tham quan, thích thú nên tiếp tục quay và đưa lên mạng. Cứ thế, hình ảnh của con hươu nhà tôi lan tỏa khắp nơi”.

Khách đến xem ngỏ lời mua 

Mỗi khi có đoàn khách đến tham quan, ông Thuận thả chú hươu ra chơi, làm trò cho mọi người xem. Nhiều người thích thú khi thấy chú hươu giơ 2 chân trước hoặc cho khách cưỡi lên.

Để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi, ông Thuận hướng dẫn khách dùng chân chạm nhẹ xuống đất, giảm bớt trọng lượng lúc cưỡi hươu. 

“Chúng tôi lo lắng, hướng dẫn thế thôi, chứ con hươu có thể trạng nhỏ, thấp. Người cưỡi không thể đặt hết trọng tâm lên lưng nó”, bà Hà nói.

Khách đến tham quan cho hươu ăn, làm quen rồi tha hồ cưỡi. Nhiều người thích thú, vây quanh nhưng con hươu không hề sợ sệt.

Hiện tại, huyện Hương Sơn vào mùa thu hoạch nhung hươu, khách thập phương tìm về rất nhiều. Nhờ chú hươu độc lạ, trang trại của bà Hà thu hút nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu quy trình làm nhung hươu.

Thấy khách đến trang trại quá nhiều, một số người cho rằng gia đình bà “hốt bạc” nhờ con hươu độc lạ. Tuy nhiên, bà Hà cho khách vào xem miễn phí, không thu tiền vé.

Cho dù, khách đến xem hươu, không mua hàng thì vợ chồng bà cũng không khó chịu mà nồng hậu tiếp đón.

“Nói chúng tôi hốt bạc nhờ chú hươu này là không đúng. Nhưng, nhung hươu là sản phẩm đặc trưng vùng miền, nhờ có con hươu này mà sản phẩm của chúng tôi được quảng bá rộng khắp”, bà Hà nhấn mạnh.

anh 2 chu huou di hai chan.jpg
Nhiều người tìm đến xem chú hươu độc lạ và tham quan trang trại nuôi hươu của gia đình bà Hà. Ảnh: Thuận Hà

Khách đến xem, ngỏ lời mua chú hươu độc lạ nhưng vợ chồng bà Hà không có ý định bán nó. Chú hươu này đã qua 8 mùa thu hoạch nhung. Hiện, nó sở hữu cặp sừng nặng 1kg, rất đẹp.

Đàn hươu hơn 100 con của gia đình bà Hà được nuôi nhốt theo 2 cách. Hươu đực nhốt mỗi con một chuồng, hươu sinh sản thì nuôi theo đàn với phương thức bán chăn thả. 

Nghề nuôi hươu không ít vất vả nhưng vợ chồng bà Hà đam mê, không thấy cực khổ. Nhiều lần rơi vào khó khăn, hươu rớt giá, hai người phải làm thêm nghề khác để có tiền duy trì đàn hươu.

Bà Hà kể: “Những năm 1994 - 1995, con hươu rớt giá thê thảm, từ 50 - 60 triệu đồng/con giảm còn 300 - 500 nghìn đồng/con.

Lúc đó, kinh tế gia đình tôi kiệt quệ nhưng vợ chồng vẫn bảo nhau sốc lại tinh thần, không bán tháo, bán hươu lấy thịt”.

Vượt qua giai đoạn khó khăn, công việc chăn nuôi và kinh doanh nhung hươu của vợ chồng bà ngày càng khởi sắc. Nhiều người tìm đến trang trại học hỏi kinh nghiệm nuôi và chế biến nhung hươu.