Tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước
Theo kế hoạch, các bộ ngành, địa phương liên quan sẽ tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị; tiếp tục thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị thông qua hoạt động tuyền truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu các điều ước quốc tế có liên quan và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc...
Hồi tháng 3, tại Geneva (Thụy Sĩ), Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR). |
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện phù hợp trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
Từ đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến mới và thành tựu đáng khích lệ
Hồi tháng 3, tại Geneva (Thụy Sĩ), Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR).
Tham dự phiên họp này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trả lời phỏng vấn của báo chí về việc thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết kể từ khi Việt Nam nộp Báo cáo quốc gia lần thứ hai về việc thực thi Công ước ICCPR năm 2002 đến nay, Việt Nam đã đạt được những bước tiến mới và thành tựu đáng khích lệ trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự và chính trị.
Tiếp thu các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền năm 2002, Việt Nam ngày càng chú trọng công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là sau Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong giai đoạn này, rất nhiều luật quan trọng liên quan trực tiếp đến các quyền dân sự, chính trị đã được ban hành và liên tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm mục đích ngày càng ghi nhận đầy đủ nhất các quyền này.
Đặc biệt, Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực.
Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quyền con người, quyền công dân đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Các văn bản quy phạm pháp luật này về cơ bản đã ghi nhận hầu hết các quyền dân sự và chính trị; các cơ chế bảo đảm và phát huy các quyền này tại Việt Nam và đã từng bước được đưa vào cuộc sống để người dân được thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị.
Có thể nhìn thấy rõ trên thực tế những kết quả này, như các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và luôn được tôn trọng, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử; báo chí ở Việt Nam đã phát triển không ngừng, trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ bảo vệ quyền của người dân, lợi ích của xã hội; cơ chế tố tụng được bảo đảm theo hướng công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người; một khối lượng lớn nhu cầu liên quan đến vấn đề hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã được giải quyết, trong đó các cơ quan có chức năng của Việt Nam thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hoá, tạo thuận lợi cho người dân cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước…
Những thành tựu cả về lập pháp và tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian qua là yếu tố đảm bảo quan trọng về pháp lý để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam.
Đánh giá về kết quả của Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam vừa diễn ra tại Ủy ban Nhân quyền LHQ, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, thiện chí và chân thành của đoàn Việt Nam cũng như các thành viên Ủy ban Nhân quyền, phiên họp tại Geneva đã thành công tốt đẹp. Tại phiên họp, đoàn liên ngành của Việt Nam đã chia sẻ những thành tựu đáng khích lệ trong việc bảo vệ và phát huy quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng cung cấp thêm những thông tin cụ thể để các thành viên Ủy ban Nhân quyền hiểu rõ và chính xác về tình hình thực thi Công ước ICCPR ở Việt Nam; bác bỏ những luận điểm sai trái, không có tính chất xây dựng của một số tổ chức, cá nhân về vấn đề này.
Ủy ban Nhân quyền LHQ đã đánh giá cao việc tham gia và đối thoại của đoàn Việt Nam tại Phiên họp. Các thành viên Ủy ban Nhân quyền cũng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR, đồng thời tin tưởng rằng với cam kết mạnh mẽ và những nỗ lực không ngừng, Việt Nam tiếp tục bảo vệ và phát huy ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, cũng giống như các quốc gia đang phát triển khác, trong quá trình triển khai thực hiện Công ước ICCPR, Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như trình độ phát triển thấp; năng lực xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực không cao; các nguồn lực cần thiết dành cho phát triển, an sinh xã hội chưa được bảo đảm bền vững; tác động của những vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện Công ước của Việt Nam.
Do vậy, Việt Nam mong muốn Ủy ban Nhân quyền và các quốc gia hiểu rõ, đồng hành và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn đó với Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam dự kiến sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền LHQ đưa ra sau Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực và đặt ưu tiên cao nhất là tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật và tư pháp, thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật. Những kết quả đã đạt được cho thấy một niềm tin vững chắc là Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng đạt nhiều thành tựu tốt hơn trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới.
Hòa Bình