Một thời lầm lỡ
11h30, Trương Quang Anh Tú (SN 1978, quận 1, TP.HCM), người được biết đến là một trong những nghệ sĩ xăm hình nổi tiếng nhất TP.HCM vào bếp. Anh muốn tự tay chuẩn bị bữa trưa cho con.
Thấy khách tỏ vẻ bất ngờ, anh nửa đùa nửa thật rằng mình nấu ăn rất ngon. Đó là kết quả đáng nhớ duy nhất của quãng đời anh trượt dài trong tội lỗi.
Vừa nói, anh vừa xắn tay áo, để lộ những hình xăm chằng chịt, bí hiểm. Đó là dấu tích của một thời lầm lỡ của người từng mang biệt danh Tú "kho đạn” trong giới giang hồ quận 1 những năm 1990.
Anh Tú bước ra xã hội từ năm 13 tuổi, vì bị ảnh hưởng bởi những thước phim xã hội đen Hồng Kông.
Thời đó, mỗi ngày Tú vẫn xách cặp đến trường. Thế nhưng, Tú hầu như không vào lớp. Thay vào đó, anh ra công viên, đến những tụ điểm ăn chơi đánh nhau để lấy số, tìm chỗ đứng trong giới giang hồ.
Sau nhiều lần đổ máu, Tú trở thành đàn anh của băng cướp nhí có hơn chục thành viên. Có băng nhóm, Tú chọn cách trấn lột, xin đểu để lấy tiền tiêu xài.
Những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng đẩy Tú và đàn em đến chất cấm. Từ bồ đà, cần sa, Tú nghiện ma túy.
Anh kể: “Hồi đó, tôi không nhận thức được đúng sai, chỉ muốn mình trở thành anh lớn, dân chơi. Để trở thành anh lớn, tôi đánh nhau, đổ máu. Muốn thành dân chơi, tôi phê bồ đà, ma túy, cần sa…
Cuộc chơi cứ thế trôi đi cho đến khi tôi thấy mẹ chạy đến khóc lớn: 'Trời ơi, mày nghiện ma túy rồi'. Nhưng đã quá muộn. Tôi nghiện nặng và tiếp tục sa lầy trong tội lỗi. Để thỏa mãn cơn nghiện, tôi cùng đàn em làm nhiều việc phi pháp".
Năm 1999, Tú bị bắt sau vụ hỗn chiến kinh hoàng. Anh bị kết án 12 tháng tù giam. Thế nhưng, chừng ấy tháng ngày tù tội chưa giúp anh gột rửa hết "máu giang hồ". Ra tù, anh lại tập hợp đàn em đi đòi nợ thuê kiếm tiền phê ma túy…
Thương con, người mẹ vốn là giáo viên của anh khóc cạn nước mắt. Dù vậy, bà vẫn bao dung, tìm mọi cách khuyên can, giúp con thoát khỏi vũng lầy tội lỗi.
Vốn là Phật tử, mỗi đêm, bà thường ngồi đọc kinh rồi cầu xin cho con bình an, hướng thiện. Một hôm khi trở về nhà sau cuộc chơi thí mạng, lời kinh của bà đã đến tai Tú.
Anh nhớ lại: “Mẹ tôi tụng kinh hàng đêm. Lúc nào cũng vậy, trước khi kết thúc buổi đọc kinh, bà đều cầu xin ơn trên dẫn lối, giúp tôi thoát khỏi tội lỗi, trở lại làm người lương thiện.
Lời cầu xin ấy khiến tôi thức tỉnh. Tôi nhận ra từ khi nghiện ma túy, xã hội đều xa lánh, ghẻ lạnh mình. Chỉ có gia đình, người thân không ruồng bỏ và luôn bên cạnh".
“Tôi bắt đầu nhìn lại và thấy thanh xuân của mình trôi qua mà không đọng lại bất kỳ hình ảnh tốt đẹp, đáng tự hào nào. Bỗng nhiên tôi hối hận vô cùng. Tôi quyết tâm từ bỏ mọi thứ để làm lại cuộc đời”, anh nói thêm.
Chuộc lỗi
Thương mẹ, Tú quyết thoát khỏi ma túy. Anh tự cai nghiện bằng nhiều cách rồi ra chợ Bình Tây (quận 6) mua dép về bán trên vỉa hè mưu sinh.
Lúc ấy, anh không còn đàn em, không còn tiền muôn bạc vạn để chơi thâu đêm suốt sáng. Thế nhưng, anh lại thấy cuộc sống của mình vui vẻ, bình yên đến lạ thường.
Cai nghiện ma túy thành công, anh Tú quyết định chọn nghề xăm nghệ thuật làm kế sinh nhai. Để nâng cao tay nghề, năm 2011, anh đăng ký học mỹ thuật tại Hội Mỹ thuật TP.HCM và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.
Đến nay, anh trở thành một trong những nghệ sĩ xăm hình nghệ thuật hàng đầu Việt Nam và là Phó Chủ nhiệm bộ môn Xăm hình nghệ thuật, Khoa Thẩm mỹ và Chăm sóc sắc đẹp, trường Trung cấp Y tế Trung ương.
Nổi tiếng, cuộc sống ổn định nhưng không lúc nào anh thôi ân hận về những lỗi lầm trong quá khứ. Để vơi bớt nỗi ân hận ấy, anh đến chùa làm công quả.
Sau đó, anh nhận thấy xã hội còn rất nhiều cảnh đời bất hạnh, khó khăn cần giúp đỡ. Anh quyết định trích lợi nhuận từ công việc xăm nghệ thuật, lập nhóm thiện nguyện Thiện Thắng để hỗ trợ người nghèo.
Hàng tháng, vào ngày rằm, mùng 1, anh và nhóm thiện nguyện của mình đi phát cơm, quà bánh cho trẻ mồ côi trong các mái ấm, người vô gia cư. Theo thời gian, các chương trình thiện nguyện của anh ngày càng quy mô.
Một trong số này là chương trình Mùa đông không lạnh. Đây là chương trình thiện nguyện được anh kết hợp với một mạnh thường quân khác với mục đích đem áo ấm, chăn, cháo, thức ăn… đến cho những gia đình khó khăn.
Anh còn là cầu nối của nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện với những địa phương khó khăn, mảnh đời bất hạnh ở các tỉnh thành. Anh cũng tham gia hoạt động xây nhà tình thương, xây cầu cho bà con vùng khó khăn.
Song song với các công tác thiện nguyện, anh Tú tình nguyện truyền nghề xăm nghệ thuật cho người cần, có hoàn cảnh khó khăn. Anh mở lớp học miễn phí trên đường Trần Quang Khải (quận 1) để dạy nghề cho người khuyết tật, nghèo khổ.
Lớp đã giúp 3 học viên là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thoát khỏi cảnh không tìm được việc làm. Hiện nay, những người này đều đã ra nghề, có thể tự nuôi sống bản thân, gia đình bằng nghề xăm nghệ thuật.
Đặc biệt, anh Tú cũng nỗ lực cảm hóa, hỗ trợ những người đang và từng lầm lỡ như mình. Anh đang cưu mang một học viên vốn là người lầm lỡ, vừa trở về sau thời gian thụ án tù.
Ngoài ra, anh cũng dành nhiều thời gian giáo dục những thanh thiếu niên có xu hướng nổi loạn, thích trở thành dân chơi.
Những đóng góp cho cộng đồng của anh Tú được chính quyền địa phương ghi nhận. Suốt 4 năm liên tiếp, anh được chính quyền Đa Kao (quận 1, TP.HCM) vinh danh “Người tốt việc tốt”.
Anh tâm sự: “Tôi bắt đầu tìm cách chuộc lại những lỗi lầm của mình từ khi con gái được 1 tuổi. Từ năm đó, tôi đếm từng ngày, từng năm để mình trở lại là người lương thiện.
Thấm thoắt, con gái tôi đã 14 tuổi. Dẫu vậy, tôi vẫn chưa bao giờ cảm thấy bản thân đã làm đủ, trả đủ những lỗi lầm của mình. Tôi sẽ tiếp tục hành trình thiện nguyện cho đến khi không còn sức để làm nữa”.