Điều đáng chú ý, các nền tảng xuyên biên giới đã chấp hành nghĩa vụ thuế và số thu cũng tăng dần theo thời gian cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số nước ta. Theo đại diện Bộ Tài chính, các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Tiktok, Google, Microsoft... nói chung; các tiểu thương buôn bán qua mạng trên các nền tảng này đã có ý thức làm tròn bổn phận nghĩa vụ thuế với nhà nước. Những trường hợp cố tình chây ỳ hoặc không tuân thủ sẽ chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Cụ thể mới đây nhất, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an Hà Nội đã khởi tố Đỗ Mạnh Cường (38 tuổi) vì hành vi bán hàng online có doanh thu hơn 160 tỷ đồng nhưng không nộp thuế. Bằng hình thức bán điện thoại, phụ kiện trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, với doanh thu hơn 160 tỷ đồng nhưng Cường không kê khai, nộp thuế theo quy định dù nhiều lần được cơ quan thuế nhắc nhở.

Hành vi của Cường là sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên Shopee, Tiki, Lazada (từ năm 2019) để kinh doanh, đồng thời cũng dùng nhiều tài khoản ngân hàng cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định. Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) xác định, Cường trốn thuế khoảng 2,5 tỷ đồng, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Theo quy định hiện nay, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm.

Quay lại với đại diện Bộ Tài chính, theo quy định cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do bán hàng online phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% thu nhập cá nhân. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nhờ các hoạt động kê khai và nộp thuế đúng quy định nên năm 2022 ngành đã thu được 83.000 tỷ đồng, năm 2023 là 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được là 50.000 tỷ đồng (dự báo cả năm sẽ vượt con số 110.000 tỷ đồng).

Ban hang online=.jpg
5 tháng đầu năm 2024 đã thu thuế thương mại điện tử là 50.000 tỷ đồng (dự báo cả năm sẽ vượt con số 110.000 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, quý 4/2024 Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ đối với việc thu thuế sàn thương mại điện tử cũng như các giao dịch điện tử trên môi trường điện tử, trọng tâm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời ngành thuế cũng có công văn tới các tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện thu thuế trên sàn thương mại điện tử, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Hỗ trợ cùng Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan (2 trong 5 tổng cục lớn của Bộ Tài chính) sẽ thực hiện hải quan thông minh, đẩy mạnh thủ tục hải quan điện tử 24/7.

Theo đó, toàn bộ thủ tục hải quan sẽ được thanh toán điện tử 100%, kết nối trao đổi thông tin với 19 ngân hàng thương mại và nộp thuế điện tử, thực hiện chống buôn lậu và thông quan thuận lợi nhất cho doanh nghiệp... Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện khung chính sách có liên quan để việc thu thuế sàn thương mại điện tử được hiệu quả, minh bạch; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới theo đúng quy định của pháp luật.

Về phía các doanh nghiệp trong nước và những người kinh doanh online, Bộ Tài chính khuyến cáo cần mạnh dạn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người kinh doanh online cũng sẽ được cởi trói để các tác nhân bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp nội hay ngoại. Tuy nhiên, để bán được nhiều hàng với giá cả hợp lý thì doanh nghiệp và người bán hàng trong nước cần những chiến lược bài bản và xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp gắn với thương hiệu quốc gia.

Được biết, trong dịp này liên Bộ: Tài chính, Công thương, TT&TT… cũng đang rà soát các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử cũng như các nền tảng chưa tuân thủ việc đăng ký kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ thuế khi vào Việt Nam. Ví dụ, nền tảng Temu đang “làm mưa làm gió” trong thời gian qua là một ví dụ.