Dạo khắp Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về Công nghệ HVAC, Hệ thống làm lạnh và Tòa nhà thông minh tại Việt Nam năm 2023 (HVACR Vietnam 2023), số lượng gian hàng giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt khá hiếm.
Ấn tượng nổi bật trong mắt chúng tôi là gian hàng của Công ty Cổ phần Sản xuất Lọc khí Việt với đa dạng sản phẩm lọc khí và thiết bị phòng sạch thương hiệu VAF.
Vừa nghe tôi dò hỏi “Công ty mình đã có sản phẩm nào xuất ngoại chưa anh”, ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Dự án của Lọc khí Việt hồ hởi trả lời: “Có chứ. Chúng tôi đã có nhiều sản phẩm lọc khí cao cấp xuất sang thị trường Mỹ từ lâu rồi. Mới đây còn xuất sang được một số thị trường khác nữa, trong đó có Đài Loan, một thị trường khó tiếp cận, có rất nhiều đối thủ cạnh tranh”.
Và rồi những câu chuyện về hành trình đưa sản phẩm thương hiệu Việt xuất ngoại dần dần hiện ra qua những lời bộc bạch của Giám đốc Nguyễn Ngọc Quang.
Sản phẩm thương hiệu Việt đạt chuẩn quốc tế
Gần 15 năm trước, những người sáng lập của Lọc khí Việt thuộc số rất ít người tiên phong đưa sản phẩm lọc khí vào thị trường Việt Nam, đã bỏ công tiếp cận một cách chuyên sâu về ngành này. Trước khi mở nhà máy sản xuất, 4 chuyên viên được đưa sang Mỹ để đào tạo về ngành lọc khí và công nghệ sản xuất tại tổ chức Blue Heaven Technologies. Và rồi Lọc khí Việt đã ra đời với định hướng là một thương hiệu Việt chuyên sản xuất lọc khí, thiết bị phòng sạch tiêu chuẩn quốc tế.
Đặt trụ sở tại thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), Lọc khí Việt là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm lọc khí và thiết bị phòng sạch đầu tiên trên thị trường Việt.
Ngay từ ngày đầu thành lập, lãnh đạo Công ty đã định hướng: “Không sản xuất hàng ở phân khúc thấp, không cạnh tranh về giá với những sản phẩm bình dân, chỉ cạnh tranh với những thương hiệu lớn bằng chất lượng, năng suất, công nghệ”.
Với định hướng đó, Lọc khí Việt liên tục cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất, không mấy đắn đo trong chuyện đầu tư trang thiết bị hiện đại. Chẳng hạn, các thiết bị quan trọng sử dụng cho hệ thống xử lý không khí và điều hòa trung tâm đều sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới, như quạt EC (Electronic Commutated – điện tử mạch tuyến).
Đồng thời, lãnh đạo công ty sẵn sàng đầu tư đào tạo chuyên sâu cho các thành viên, từ chuyên viên, kỹ sư, đến bộ phận văn phòng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra giá trị khác biệt cho sản phẩm.
Hiện Lọc khí Việt có hai nhà máy sản xuất, một tại Thái Nguyên (chủ yếu phục vụ khách hàng Samsung) và một tại Bình Dương, sản lượng đạt trên 500.000 sản phẩm/năm. Tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 30 - 90% tùy theo dòng sản phẩm.
Danh mục sản phẩm lọc khí khá đa dạng, từ lọc thô (V-RA, V-Di, V-Wash …), tới lọc tinh (VM I, VM II, V-PAK, V-DURA…), lọc Hepa (Ultracel I, Ultracel II, Ultracel V…), lọc carbon, lọc phòng sơn, lọc túi…
“Mỗi sản phẩm đều được chúng tôi nghiên cứu, phát triển và sản xuất với quy trình nghiêm ngặt, yêu cầu rất cao. Chỉ cần sai lệch một li thôi, chúng tôi cũng không chấp nhận”, ông Quang cho biết.
Không có nhiều doanh nghiệp như Lọc khí Việt: Tất cả sản phẩm thương hiệu Việt đều đạt chuẩn xuất khẩu quốc tế (EN 1822-5:2009, EN 779: 2012, ISO 16890:2016).
Vì thế, sản phẩm của Lọc khí Việt đã nhanh chóng được tín nhiệm, sử dụng bởi khá nhiều công ty nước ngoài có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn: Intel, Samsung, Coca-Cola, Pepsi Co, Unilever, P&G, dược Tenamyd, dược Medochemie...
Con đường xuất ngoại của Lọc khí Việt bắt đầu mở ra từ năm 2020, với sản phẩm đầu tiên là lọc Hepa H14 hiệu suất 99.999 @ 0.3 micromet theo tiêu chuẩn châu Âu EN 1822, thuộc dòng lọc khí cao cấp, cung cấp cho đối tác AirClean Systems ở Mỹ.
“Những email khách hàng gửi về cho Lọc khí Việt mỗi khi họ nhận hàng đều có khen 1 từ “Excellent”. Đó là sự may mắn của chúng tôi”, ông Quang nhớ lại.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo thuận lợi cho sản phẩm của Lọc khí Việt thâm nhập thị trường Mỹ. Tiếp đó, thương hiệu VAF được chính thức bảo hộ tại Mỹ và Lọc khí Việt trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Lọc không khí quốc gia Hoa Kỳ (NAFA), giúp thương hiệu Việt này như “hổ thêm cánh”, dễ dàng hơn trong việc chinh phục những khách hàng khó tính.
Kế tiếp thị trường Mỹ, Lọc khí Việt mạnh dạn tìm kiếm cơ hội ở một số thị trường khác. “Chúng tôi đã xuất khẩu khá nhiều sản phẩm lọc khí sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, và mới đây là Đài Loan (Trung Quốc). Tại Mỹ, lọc khí cao cấp của Lọc khí Việt được sử dụng cho phòng mổ, các phòng sạch chuyên biệt của các ngành dược, thực phẩm, điện tử… Còn ở Đài Loan (Trung Quốc) thì cung cấp sản phẩm lọc khí cho nhà máy nhiệt điện. Một số nước như Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia…, chúng tôi cũng đang bắt đầu bán được hàng, cơ hội cũng như thử thách còn rất nhiều”, ông Quang cung cấp thông tin.
Tiếp tục cạnh tranh bằng công nghệ
Kiểm tra, kiểm định khách quan từ một tổ chức độc lập (bên thứ ba) là yếu tố đảm bảo chất lượng quốc tế thật sự của các sản phẩm lọc khí cao cấp thương hiệu Việt VAF.
“Muốn đạt tiêu chuẩn châu Âu, chúng tôi phải đưa sản phẩm lọc khí của mình sang một tổ chức kiểm định ở Đài Loan (Trung Quốc) có uy tín nhất nhì khu vực châu Á. Họ đưa ra rất nhiều chỉ tiêu mà mình phải đáp ứng. Chi phí kiểm tra theo chuẩn ISO và EN cho mỗi sản phẩm lọc khí tốn khoảng 2.000 USD”, ông Quang chia sẻ.
Bản thân Lọc khí Việt cũng đã đầu tư dàn máy test nội bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra thành phẩm tại nhà máy. Với những thiết bị lọc khí lắp tại công trường thì có 2 dàn máy (1 của Đức, 1 của Mỹ) sẵn sàng vận hành cho khách hàng tận mắt “soi” chất lượng sản phẩm.
Không chỉ dừng ở mảng lọc khí công nghiệp, Lọc khí Việt đã lên kế hoạch đầu tư thêm máy móc, thiết bị và công nghệ để mở rộng danh mục sản phẩm sang cả mảng lọc khí dân dụng.
Tiếp nối thành công bước đầu của dòng sản phẩm lọc khí cao cấp, Lọc khí Việt đang nỗ lực chuẩn bị đưa dòng thiết bị phòng sạch xuất ngoại, với việc tham gia đánh giá đạt chuẩn ISO 13485: 2016 (tiêu chuẩn về chất lượng thiết bị y tế) để được sản xuất, bán ra thị trường nước ngoài.
Vốn là dân kỹ thuật chứ không phải dân kinh tế, Giám đốc Dự án Nguyễn Ngọc Quang cho biết may mắn lớn đối với ông là Ban Giám đốc, đặc biệt là Tổng Giám đốc Lê Hồng Sinh rất chịu khó đầu tư cho công nghệ.
“Mỗi khi đề xuất đầu tư công nghệ của mình được chấp nhận, và đem lại kết quả trong thực tế, thì lúc đó vui lắm, một niềm vui rất khó tả”, ông Quang bày tỏ.
Tiên phong khai phá thị trường, lại chịu khó đầu tư cập nhật công nghệ, Lọc khí Việt không lo lắng lắm về các đối thủ cạnh tranh ngang tầm trên “sân nhà”. Song trên thị trường “ngoại”, với sự cạnh tranh khốc liệt của khá nhiều thương hiệu lớn, thì có vẻ còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Tiếp tục định hướng cạnh tranh với các “ông lớn” bằng công nghệ và chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, một trong những giải pháp được Lọc khí Việt tính tới là tham gia các hiệp hội chuyên ngành quốc tế, để mỗi khi có công nghệ mới đều được nhanh chóng cập nhật và áp dụng một cách hợp lý cho các sản phẩm của mình.
“Nghiên cứu và phát triển sản phẩm với cái tâm và cái tầm, chúng tôi rất tự tin rằng sản phẩm của mình có thể thỏa mãn yêu cầu của nhiều khách hàng khó tính. Thế nhưng đã có đối thủ quốc tế tỏ vẻ coi thường, không tin rằng người Việt có thể làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao tầm thế giới.
Chúng tôi đã cho họ câu trả lời bằng chính những phản hồi từ khách hàng của chúng tôi. Và rồi họ đã phải công nhận chất lượng sản phẩm của Lọc khí Việt. Tuy nhiên, qua câu chuyện này, tôi cũng muốn bày tỏ mong muốn rằng, trên hành trình “vươn ra biển lớn”, những doanh nghiệp như Lọc khí Việt rất cần có thêm sự hỗ trợ, đồng hành từ Chính phủ và các cơ quan nhà nước cùng các tổ chức khác như đại sứ quán hay các hiệp hội, để thương hiệu Việt được nhận diện, lan tỏa sâu rộng hơn, nhanh chóng hơn nữa trên phạm vi toàn cầu”, ông Nguyễn Ngọc Quang giãi bày trước khi dừng câu chuyện.
Ông Lê Minh Dưng, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ: Ngành lọc khí công nghiệp còn khá mới tại Việt Nam. Tôi đã đi tư vấn từ Bắc vào Nam từ năm 2015, nhưng tới năm 2019 mới biết đến ngành này thông qua một chương trình hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Sản xuất Lọc khí Việt. Trên thị trường đã có khá nhiều sản phẩm lọc khí dành cho các gia đình (sản phẩm lọc khí dân dụng). Còn lọc khí công nghiệp thì chưa nhiều sản phẩm được đông đảo người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết tới. Ngành này có tính đặc thù. Với phòng sạch của các ngành dược, y tế, nếu khâu lọc khí không đạt tiêu chuẩn thì sẽ liên quan tới sức khỏe của không chỉ một người mà là rất nhiều người. Còn với ngành điện, điện tử, khâu lọc khí có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm, uy tín doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn tham gia ngành lọc khí công nghiệp cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn công nghệ rất cao, nhất là những sản phẩm phục vụ thị trường quốc tế, không chỉ chỉ nhìn rồi sao chép mà làm được. Nếu dễ thì đã nhiều người làm rồi. Đối với Công ty Cổ phần Sản xuất Lọc khí Việt, như tôi đã đề cập, tôi bắt đầu có dịp tư vấn cho công ty vào năm 2019. Gần đây, tôi tiếp tục tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, thì thấy rất ấn tượng với những bước phát triển của Công ty. Nhà xưởng và những tiêu chuẩn mới luôn được quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển để phù hợp với yêu cầu của khách hàng nước ngoài. Ngày càng có nhiều khách hàng quốc tế từ Mỹ, Đài Loan và một số nước khác tìm tới Lọc khí Việt để đặt hàng. Có một điều khiến tôi rất thích sau khi tư vấn cho Lọc khí Việt. Đó là thông thường, các doanh nghiệp sau khi được tư vấn chỉ triển khai công việc theo kiểu duy trì dự án mà thôi. Còn với Lọc khí Việt, qua hoạt động hỗ trợ tư vấn của các cơ quan, tổ chức như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Samsung… thì họ đã phát triển với tư duy cải tiến liên tục. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh, tôi nghĩ Lọc khí Việt cần đa dạng hơn nữa danh mục sản phẩm. Ngoài lọc khí công nghiệp, có thể mở rộng sang lọc khí dân dụng hoặc các ngành phụ trợ khác như lọc khí, lọc dầu trong ô tô… Khi đó sẽ có thêm khách hàng biết đến mình nhiều hơn. Mặt khác, có lẽ Lọc khí Việt nên xem xét việc gắn kết với các trường đại học để chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực cho tương lai. Có thể tiếp cận các trường để giới thiệu cho sinh viên hình dung cụ thể về một ngành sản xuất đầy tiềm năng là ngành lọc khí. Sinh viên bây giờ phải biết những khái niệm cơ bản về ngành thì mới có hướng đầu tư để có thể đáp ứng các nhu cầu phát triển của ngành thời gian tới. |
Ông Phan Doãn Anh, Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương: Làm việc với Công ty Cổ phần Sản xuất Lọc khí Việt, chúng tôi thấy rất hài lòng, vì sản phẩm đa dạng, chất lượng, giá cả lại hợp lý, giao hàng đúng thời gian. Cùng với đó, khâu hỗ trợ khách hàng cũng rất nhanh, nhân viên phụ trách của Công ty luôn sẵn sàng phản hồi những thông tin yêu cầu của nhà máy chúng tôi. |