Cú hích từ UKVFTA
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD.
Như vậy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2010, thì đến năm 2022 thương mại Việt Nam -Anh tăng gấp hơn 3 lần.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng, thương mại song phương vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của quan hệ hai nước. Vì vậy, doanh nghiệp hai nước cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường kết nối và xúc tiến thương mại, nhận định hai bên có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như tài chính xanh, nông nghiệp và công nghệ.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Anh nhận định, với việc thực hiện UKVFTA và Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thương mại song phương có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 nhờ tăng trưởng thương mại dịch vụ - lĩnh vực chiếm tới 70% nền kinh tế Anh.
Ngoài ra, hợp tác giáo dục cũng tăng trưởng mạnh với hơn 100 dự án hợp tác giáo dục giữa các trường đại học hai nước. Số sinh viên Việt Nam theo học tại Anh tăng từ 4.000 vào năm 2010 lên 15.000 hiện nay. Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nguồn nhân lực trẻ, năng động, Việt Nam là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư Anh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, giáo dục, tăng trưởng xanh.
Cơ hội còn nhiều
Ông Alan Rides, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Tây London (WLCC) cũng đánh giá, kể từ khi ký Hiệp định UKVFTA, thương mại song phương giữa hai bên đã tăng đáng kể. Xuất khẩu của Anh sang Việt Nam hiện lên tới 1 tỷ bảng Anh (1,22 tỷ USD) mỗi năm trong khi Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 6 tỷ bảng mỗi năm sang Anh.
Theo ông Alan Rides, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới đồng thời là một thị trường triển vọng với hơn 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Anh có thể xuất khẩu sang Việt Nam dược phẩm và các dịch vụ giáo dục, tài chính, bảo hiểm và nhiều dịch vụ khác trong khi Việt Nam có thể xuất khẩu thực phẩm, hải sản, đồ nội thất sang Anh.
"Phòng thương mại lớn thứ hai tại London, chuyên kết nối, thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh doanh giữa Anh và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, LWCC sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại Anh"- ông Alan Rides khẳng định.
Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều thách thức do tăng trưởng kinh tế khu vực giảm tốc và lạm phát cao khiến người dân và doanh nghiệp hạn chế chi tiêu, thương mại Việt Nam - Anh trong 9 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 0,8% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 4,09 tỷ USD, tăng 0,4%. Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 4,67 tỷ USD, tăng 0,6%, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Anh vào Việt Nam đạt hơn 587,1 triệu USD, tăng 2,3%.
Việt Nam hiện là đối tác thứ 9 của Anh về thương mại hàng hóa trong khi Anh là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam. Về đầu tư, Anh có 542 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 4,29 tỷ USD, đứng thứ 15/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Thương mại song phương Việt - Anh hiện đang có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD, nhất là khi Anh gia nhập CPTPP. Đồng thời, thị trường Anh lại đang có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 700 tỷ USD hàng hóa. Như vậy, dư địa khai thác thị trường Anh còn rất lớn đối với hàng hoá Việt Nam.