Canh don
Canh don

Thằng con trai xa nhà đã bao năm, mỗi lần về bên mẹ vẫn tíu tít như thuở lên năm, lên ba bởi càng xa nhà bao nhiêu, người ta lại càng nhớ da diết mái ấm, mâm cơm, món quen, vị cũ. Nhớ rồi thèm. Thèm thì về. Những ký ức cứ vậy mà níu lòng mình, nhắc nhớ đường về nhà chẳng bao giờ là xa xôi. Những hoài niệm về gánh hàng don của mẹ sẽ còn đi với tôi mãi đến sau này. 

Bố đi làm xa, anh em chúng tôi đứa thì học ở Hà Nội, người thì trong Nam, chỉ tranh thủ dịp hè mới về quê nên chẳng phụ mẹ được nhiều. Đời mẹ cứ vậy mà lủi thủi tảo tần, vừa đi chợ, vừa ra đồng thăm lúa. Cáng đáng nhiều công việc một lúc, dáng lưng mẹ đã không còn thẳng, mỗi nếp nhăn hằn lại là bao lo nghĩ bộn bề.                                       

Gánh hàng don của mẹ cho tôi thấy cuộc đời còn nhiều nỗi nhọc nhằn vất vả; là bài học về đức tính cần cù, chịu thương chịu khó. Đó là những đêm thức sàng don, là những ngày trở về từ phiên chợ, ăn vội bát cơm rồi lại chuẩn bị đồ nghề để sang bến khi có người gọi. Thương lắm khi trời nắng chang chang, mẹ lao nhanh giữa tiếng xe ì ạch buổi trưa - thời khắc mà nhiều người đã nghỉ ngơi sau quãng đi đồng buổi sáng. 

Thuyền cập bến, mọi người vội vã chạy lại sát mạn thuyền, anh chủ lái quăng neo cho thuyền yên lại. Nắng vẫn gắt làm những con sóng cứ uể oải chầm chậm ôm vào lòng hơi nóng hừng hực. Trên bờ kè, nhiều cô bác vẫn ngâm mình dưới nước để rửa sạch don, để don thật sự sạch sẽ mới an lòng đem ra chợ bán. 

Chẳng giống ngao, chẳng giống hến cũng chẳng giống trai, con don nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay, vậy mà ẩn trong lớp vỏ sừng kia là tình cảm thân thương của biển cả. Rổ don sau khi rửa hiện lên một màu vàng ong óng ngà ngà nâu thật đẹp mắt. Nhiều người sẽ hỏi tại sao không mang về rửa ở nhà, sao phải lặn lội dưới nước cho nóng bức. Thật ra, nếu rửa bằng nước ngọt, don sẽ hư nhanh lắm và chỉ cần một con hỏng sẽ lan ngay ra những con khác. 

Nhớ hồi mới bán, chưa quen việc đi chợ, mẹ ế nhiều lắm. Sợ mất lòng người mua, mẹ xót ruột đổ hết bao don này đến bao don khác chứ chẳng dám để lại vì sợ don ươn. Cứ hễ ế don là mặt mẹ từ chợ về lại tiu nghỉu buồn.

Vậy mới nói, để mang được con don sạch đẹp đến tay người mua thì bao nhiêu con don là bấy nhiêu giọt mồ hôi đã thấm đẫm vào những con sóng vỗ theo nhịp khuấy đều tay để gạn bớt bùn đất bám vào. Đó là những ngày nắng, còn ngày trời đổ mưa thì tôi cũng chẳng thể biết mẹ và bao cô bác ngoài đó sẽ ra sao. Chỉ biết rằng những ngày bất chợt có cơn mưa rào như hôm rồi, mẹ ướt hết quần áo, ướt cả những làn don.

Don xào lá lốt
Don xào lá lốt

Nếu người Hà Nội tự hào khi nhắc đến cốm thì cũng không ngoa gì khi tôi nói don là đặc sản vùng biển quê tôi, bởi sự dung dị đến lạ thường, vừa mang hơi mặn của biển vừa âu yếm chút tình của người miền biển chất phác. Những con thuyền nặng vị muối nằm nghỉ bên bến sau một đêm không ngủ chở thức quà về với đất liền khiến lòng tôi nao nao. Don lúc nào cũng có nhưng có lẽ gió bấc tràn về mới thật sự khiến con don mây mẩy và ngon ngọt nhất.

Ngày ấy, ngồi nhìn mẹ tỉ mỉ đãi tách ruột don ra khỏi vỏ, tôi háo hức đòi mẹ dạy cho bằng được, để rồi hì hục mãi cũng chả tách được bao nhiêu nên… chán. Nước luộc don thơm chẳng kém. Cái ngon ngọt của canh don chính là ở đây, một màu trăng trắng trong trong như nước gạo làm nên vị thanh của bát canh.

Bố vẫn tấm tắc khen canh don mẹ nấu là ngon nhất. Tôi chan canh don với cơm thấy ngon quá thì đánh liền ba bốn bát, mẹ cứ nhìn cả nhà ăn mà tủm tỉm cười. Một bát canh don nấu với đủ thứ rau (muống, mồng tơi, ngổ, ớt…) hoặc nấu riêu với quả chay chua chua, chẳng cần thêm bột ngọt mà vẫn giữ được độ ngọt thanh. Bao tháng ngày xa nhà, canh don mẹ nấu chẳng hề đổi thay hương vị, vẫn đằm đằm man mát đến lạ thường như tính tình người quê tôi. 

Thoảng khi mẹ cũng làm món don xào lá lốt. Món ăn bắt miệng. Mẹ phi chút tỏi thơm hươm vàng rồi đảo don đều tay vài lượt, xong cho lá lốt vào chảo. Khi lá lốt đã sẫm màu, mẹ rắc thêm vừng rang và chút củ hành tây thái mỏng là có ngay món xào thơm lừng để đổi vị bữa cơm ngày ế hàng chợ.

Mùi don quyện vào cả thời ấu thơ. Mùi don in hằn trong tiềm thức. Mùi don như một thứ gia vị để nêm nếm cuộc đời những đứa con xứ biển quê tôi thêm ngọt ngào. Nhưng kỳ thực, khi đã lớn khôn bôn ba đây đó, tôi biết mùi don cũng chính là mùi cần lao hy sinh của những người làm cha mẹ xứ này. 

Ngồi ở một nơi xa, ăn cơm với những người lạ lẫm, thi thoảng sống mũi bỗng dội về mùi thơm ngào ngạt, chợt nhớ tới món canh don mẹ nấu mà cồn cào tâm can; nhớ mùi don xào lá lốt mà bời bời tấc dạ. Hương vị của biển và đồng quê đã hòa hợp thấm đượm gói lại trong bát canh don, trong đĩa don xào, khiến ai đó mỗi dịp trở về quê hương lại vội vàng tìm hàng don ở phiên chợ như tìm lại một chút tuổi thơ của mình. 

Theo Phụ nữ TP.HCM