"Cả mấy chục năm xa cách do sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, họ gặp nhau qua những bức ảnh, lá thư trao tay đồng đội, chỉ người vợ ở hậu phương được nhìn các con lớn lên, còn người chồng phải quên mình nơi chiến trận. Thế nhưng họ vẫn một lòng hướng về nhau thủy chung son sắt, một lòng hy sinh vì ngày độc lập của dân tộc..."

Có lúc tôi không tin rằng người ngồi trước mặt mình là phu nhân một tướng lĩnh quân đội đã ngoài 70 tuổi. Bởi bà nói về chồng mình với những kỷ niệm đẹp, với sự lãng mạn cùng những giọt nước mắt lăn dài như cô gái vừa mới yêu đang kể chuyện tình. Trong căn nhà số 11 nằm sâu trong ngõ 30 phố Lý Nam Đế (Hà Nội) bà Lương Ngọc Thư vợ cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, quyền tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh say sưa lật giở những trang ký ức về chiến tranh và tình yêu vẫn còn vẹn nguyên sự nồng nàn mà theo bà "mới chỉ như ngày hôm qua mà thôi."

Đôi mắt cô gái 17

Tham gia Cách mạng từ năm 16 tuổi, ngày ấy anh lính Lê Ngọc Hiền cũng như bao thanh niên trai tráng khác luôn mang trong mình khí thế hừng hực "sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của tuổi trẻ. Không sợ bom đạn, không sợ hy sinh nhưng có điều đặc biệt là anh luôn đỏ mặt vì xấu hổ mỗi khi bạn bè nhắc đến chuyện người yêu hay chuyện lấy vợ.

Bởi, ngay cả khi đã 22 tuổi, đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 thì anh cũng chưa một lần cầm tay con gái, trong đầu, trong tim anh lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện ra trận đánh giặc mà thôi.

{keywords}

Vợ chồng  cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền và bà Lương Ngọc Thư

Thế rồi một ngày, gặp lại người bạn cũ Trần Quang Thường, người cùng tham gia hoạt động Thanh niên cứu quốc, tham gia khởi nghĩa Sơn Tây rủ Hiền đến chơi một gia đình quê ở Thanh Hóa, làm nghề Y có 4 cô con gái xinh đẹp đang tuổi lấy chồng thì chàng trai 22 tuổi ấy như bị vật vô hình níu kéo. Anh thực sự bị cuốn hút bởi đôi mắt của cô gái trong ảnh mà Thường cho anh xem. Đôi mắt sâu, đen láy thoáng chút đượm buồn đã làm trái tim người lính trẻ loạn nhịp.

Lại được nghe kể, đó là cô gái cá tính, tinh thần giác ngộ cách mạng cao, đang theo học lớp hộ sinh trung cấp do Bộ Y tế chiêu sinh và chưa có người yêu nên anh thầm thương mến.

Ngày ấy cái danh từ bộ đội với mỗi người dân có uy tín và đáng tin cậy. Bởi thế, khi theo chân Thường tới nhà cô gái mà anh trộm nhớ qua ảnh thì bố mẹ cô ấy đón tiếp rất nhiệt tình và trò chuyện thoải mái. hai người chỉ hỏi anh đã lấy vợ lần nào chưa? Khi cả hai anh bộ đội đều trả lời chắc chắn chưa hề có vợ thì ông bà gật đầu đồng ý ngay để anh được phép tìm hiểu con gái xinh đẹp của mình.

Thế rồi một ngày, khi đang học lớp nữ hộ sinh ở Nam Đàn, Nghệ An thì cô gái Lương Ngọc Thư nhận cùng lúc hai lá thư gửi vào trường. Một lá của bố mẹ ở Thanh Hóa gửi, và một lá của người con trai lạ mà cô chưa hề quen biết. Trong thư bố mẹ dặn con gái việc học hành và hé mở cho cô biết mình đã thoát ly và cũng đã trưởng thành. Bố mẹ cho phép cô được phép giao tiếp  và chấp thuận "anh" nếu đồng ý. Còn lá thư của người trai lạ với nét chữ nắn nót, những lời hỏi thăm động viên làm cô băn khoăn. Trong thư anh kể lý do làm quen với cô, kể về những trận chiến ác liệt, cận kề cái chết mà người lính không nao núng tinh thần. Kể cả chuyện nhiều đêm anh thao thức vì đôi mắt người con gái trong ảnh đã đánh cắp trái tim mình để ngầm ngỏ ý với cô.

Và cứ thế họ gửi cho nhau những dòng suy nghĩ, những tâm sự buồn vui rất thật. Để rồi dù chưa gặp mặt nhưng trong lòng mỗi người cũng đôi chút xao xuyến nhớ thương.

Ngày cưới không có người "sắm vai cô dâu chú rể"

Mấy tháng sau, đám cưới của bạn Thư (đôi Xuân - Tố) được tổ chức. Đơn vị bộ đội vào dự rất đông. Là bạn thân cùng lớp hộ sinh với Tố nên Thư được chọn làm phù dâu. Không ngờ trong đám cưới ấy, anh lính trẻ Lê Ngọc Hiền cũng làm phù rể, lại ngồi đối diện với Thư. Thấy mọi người chỉ, bấm nhau thì thào, loáng thoáng nghe được - Thư hơi bất ngờ và xấu hổ ngượng đỏ cả mặt. Sau này, khi hỏi lại anh thì cô mới biết đây là việc đã được sắp xếp từ trước của cánh lính.

Sau lần gặp định mệnh ấy, anh bộ đội Hiền lịa đạp xe quay trở lại đơn vị, cô thanh niên xung phong Thư ở lại Nghệ An tiếp tục việc học. Thế nhưng họ vẫn thường xuyên liên lạc, tâm sự, thương nhớ nhau qua những bức ảnh, trang thư trao tay đồng đội.

"Có bức thư là những lời an ủi, động viên nhau cùng phấn đấu. Nhưng cũng có nhiều bức thư là những trận bút chiến dài để tìm ra quan điểm chung cho vấn đề xây dựng tình yêu hạnh phúc, bền vững trong tương lai. Đôi khi cũng có những trách móc, giận hờn trên trang giấy nhưng nếu lâu lâu mà anh ấy không biên thư thì lại thấy buồn, thấy nhớ lắm!", bà Thư vừa lật giở những bức ảnh kỷ niệm, vừa rưng rưng xúc động kể.

Rồi ngày đặc biệt cũng đến, cái ngày mà chính Thư cũng không thể ngờ tới. Ngày 15/4/1955, anh Hiền báo cho cô biết Bộ Tư lệnh Đại đoàn 320 đã gửi thư cho gia đình hai bên đồng ý cho đôi bạn trẻ làm đám cưới. Hôm ấy là Hội nghị tổng kết phát động giảm tô, kết hợp với thư của Bộ Tư lệnh Đại đoàn 320, Đoàn ủy đã tuyên bố công nhận việc thành hôn của đôi bạn trẻ.

Dự hội nghị đó có đến khoảng 4-5000 cán bộ khắp nơi trong cả nước. Ngay cưới của họ thật đặc biệt. Anh bộ đội Lê Ngọc Hiền không phải sắm vai "chú rể", còn có nữ hộ sinh Lương Ngọc Thư không phải sắm vai "cô dâu". Cô vẫn ăn mặc như mọi ngày, vẫn quần đen, áo nâu, chít khăn mỏ quạ. Các chị ngồi cạnh Thư trong hội nghị cũng không biết ai là chú rể, ai là cô dâu nên cứ hỏi nhau cô dâu chú rể đâu sao không đứng lên chào quan khách. Anh tủm tỉm cười rồi nháy mắt ra hiệu cho cô lặng im. Vậy là sau ngày trọng đại ấy hai người đã trở thành tri kỷ.

Đám cưới của những người lính ngày ấy thật đơn giản. Không loa đài, không phông bạt, không son phấn, trầu cau nhưng vẫn ấm tình người. Chỉ cần sự chứng kiến của đồng đội, sự hợp tác của đơn vị chiến đấu, đôi khi không cần "nhân vật chính" thì ngày vui vẫn diễn ra tốt đẹp. Khi hội nghị giải tán, đôi vợ chồng mới cưới về gặp mặt anh em trong đội phát động giảm tô của Thư. Lúc ấy chú rể chỉ có duy nhất mấy bao thuốc lá mời anh em trong đội chia vui.

Nhớ lại kỷ niệm xưa, cô dâu Thư của ngày ấy vẫn không giấu nổi niềm xúc động: "Đã gần 60 năm trôi qua mà chuyện vui ấy với tôi vẫn mới như ngày hôm qua mà thôi. Tình yêu của người lính chúng tôi vì bom đạn nên phải xa nhau nhưng vẫn lãng mạn, bền vững dù gặp nhiều bất trắc, khó khăn nhưng chúng tôi vẫn dành cho nhau lòng tin yêu cao nhất."

Bác sĩ của riêng chồng

Vậy là sau 3 năm kể từ ngày gặp mặt làn đầu tiên, anh bộ đội Lê Ngọc Hiền và cô nữ sinh Lương Ngọc Thư đã chính thức thành vợ chồng. Thế nhưng họ cũng chỉ được ở gần nhau mấy ngày vì mỗi người lại phải lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu cho độc lập dân tộc.

Khi Thư công tác tại Ty y tế Hà Đông, tưởng được gần chồng thì anh lại lên chiến khu Việt Bắc. Lúc cô vào công tác trong địch hậu thì anh lại từ chiến khu Việt Bắc trở về.

Tháng 11/1955, Thư được phân công về trường Y tế Liên khu 3 ở Nam Định thì chồng lại ngược lên Sơn Tây. Rồi cô về Hà Nội thì anh lại đi học ở Trung Quốc, ở Liên Xô. Có những lúc gần nhau tưởng chừng như gang tấc thế rồi lại cách xa vời vợi. Cứ như vậy họ mải miết công tác, rong ruổi đón đuổi nhau. Tình yêu, nỗi nhớ biến thành động lực giúp mỗi người vững vàng hơn trong cuộc chiến. Hình ảnh người chồng nơi trận mạc luôn đau đáu trong tim Thư. Để chồng yên tâm cô chưa một lần kể về nỗi buồn, cô đơn vì nhớ anh mà luôn nói về niềm vui công tác, về sự trưởng thành, lớn lên từng ngày của con cái.

Đọc được thư vợ, anh Hiền lại thấy hình bóng gia đình luôn bên cạnh vơi bớt nỗi nhớ nhung vào trận chiến.

Năm 1963, sau khi học tập ở nước ngoài, anh Lê Ngọc Hiền về công tác tại Hà Nội, hai người được sống bên nhau nhưng anh rất bận rộn, thường xuyên đi công tác dài ngày. Năm 1970 anh đi một mạch vào miền Nam, công tác tại Bộ Tư lệnh Miền với cương vị Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Rồi anh vào Tây Nguyên lập sở chỉ huy và làm Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hạnh phúc gần nhau tưởng chừng như đã nắm bắt được, nhưng bom đạn chiến tranh lại bắt họ vẫn phải xa nhau. Thời gian này sợi dây liên lạc duy nhất của họ là những bức thư gửi từ hậu phương, hay đôi dòng viết vội sau mỗi trận đánh. Trong thư hai người cùng bàn nhau cách nuôi dạy, uốn nắn con cái nên người. Họ kể về người thân, về đồng đội kèm theo đó là những lời động viên, khuyên bảo nhau giữ gìn sức khỏe. Đôi khi nội dung thư kể lại về giấc mơ giản dị, về thèm khát của người cha sống xa nhà nhiều năm, không được chứng kiến nét thơ ngây, nét bướng bỉnh, sự trưởng thành của những đứa con thân yêu.

Năm 1989, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền chính thức về Hà Nội và năm 1995 thì được nghỉ hưu. Có lẽ đây là thời gian vợ chồng ông được sống bên nhau lâu dài và hạnh phúc nhất. Nhưng năm cuối cùng từ 2003 đến năm 2006 ông bắt đầu lâm bệnh nặng. Lúc này người vợ đã từng chiến đấu với cô đơn, khó khăn ở hậu phương để chờ chồng lại tiếp tục cuộc chiến mới giành giật sức khỏe cho chồng. Bà tự phong mình là bác sĩ của riêng ông, theo dõi ông từng giấc ngủ, tận tình chăm sóc ông mỗi khi trái gió trở trời. Bà cũng tự phong mình là cấp dưỡng riêng của ông, chăm từng bữa sao cho chồng vừa hợp khẩu vị mà vẫn đảm bảo chế độ ăn do bệnh tật.

Và rồi khi về cõi vĩnh hằng thì hình ảnh người đồng chí, người thầy và hơn tất cả là hình ảnh người chồng thương mến vẫn hiện hữu bên bà với những kỷ niệm đẹp nhất hai người dành tặng cho nhau.

Quy luật của chiến tranh, đó là sự tàn phá kinh hoàng, là sự ly tán đau thương đối với mỗi cá thể, gia đình và toàn xã hội. Thế nhưng cái quy luật ấy sẽ trở nên vô lý trước tình yêu người lính. Dưới bom đạn ác liệt, họ vẫn yêu thương, thủy chung son sắt một lòng, chấm nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư để người chồng, người yêu yên tâm trước mỗi trận đánh còn người vợ, người phụ nữ ở nhà lo hậu phương, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con cái thành tài.

(Theo Thần Hoàng/ Đang yêu)