Sáng 11/7, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm lo lắng về tình trạng chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân vẫn còn ở một số nơi.

Vì vậy, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp phát, trả thẻ căn cước công dân sau khi công dân đã thực hiện thủ tục cấp thẻ.

Báo cáo với Thường vụ Quốc hội về nội dung này, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến ngày 10/7, bộ đã cấp được trên 67 triệu căn cước công dân gắn chip.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội

Nhìn nhận việc cấp căn cước công dân gắn chip chậm, Thượng tướng nêu rõ các lỗi. Đầu tiên là nhiều người dân đến đăng ký sai địa chỉ, số điện thoại nên khi thay đổi địa điểm thường trú, khớp nối thông tin bị “chệch choạc”.

“Chúng tôi đang khắc phục. Lỗi này có nhiều nguyên nhân từ công an, đến phía người khai báo", Thứ trưởng Công an nói.

Theo ông Tỏ, người dân có trách nhiệm khai báo thông tin, hồ sơ, nhưng dữ liệu không bảo đảm “đúng, đủ, sạch” nên không nhập được vào hệ thống điện tử. Vì vậy, lực lượng công an đang chỉnh lại và đây cũng là nguyên nhân khách quan.

Bên cạnh đó còn có lý do, hồ sơ một số cơ quan các địa phương khi nhập dữ liệu chính xác không cao nên việc phân loại gặp khó khăn.

Để khắc phục vấn đề trên, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, bộ đã yêu cầu công an các địa phương tăng cường công tác nghiệp vụ, quy trình trình tự thủ tục.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác về giải quyết và tiếp nhận hồ sơ; tiếp tục thông báo đến các đơn vị, cá nhân có sai sót để đến cơ quan công an hướng dẫn thêm.

Cũng liên quan đến ngành công an, Ban Dân nguyện đề nghị quản lý chặt chẽ các thông tin xấu trên mạng, nhất là việc đăng tải và lan truyền các thông tin liên quan đến việc tự tử của trẻ em; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Về nội dung này, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho hay, về quản lý, xử lý tin xấu, độc trên không gian mạng, trách nhiệm quản lý nhà nước là của Bộ Thông tin và Truyền thông, tuy nhiên Bộ Công an cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt nội dung này.

“Chúng tôi có đề án chuyên đề về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; đồng thời chúng tôi có kế hoạch chuyên đề về an ninh mạng, kết quả rất tốt”, ông Tỏ nói.

Còn về xử lý vi phạm an toàn giao thông để phấn đấu giảm tai nạn, Bộ Công an đã tập trung các nhóm hành vi liên quan đến vi phạm nồng độ cồn trong điều khiển phương tiện; vi phạm về tốc độ; vi phạm về cơi nới thùng xe quá khổ, quá tải; phương tiện chở quá vạch an toàn giao thông đường thủy.

Thứ trưởng Công an cho biết thêm, trong phòng ngừa, Bộ Công an tập trung bố trí lực lượng tăng cường xử lý; rà soát các tuyến, các điểm liên quan nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông; tiếp tục đề xuất Chính phủ và các ngành nâng cao chất lượng công tác đào tạo lái xe, siết chặt việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe…

Công an TP.HCM nêu lý do người dân chưa nhận được căn cước

Công an TP.HCM nêu lý do người dân chưa nhận được căn cước

Sai sót trong khai báo, nhầm lẫn quê quán với nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, thay đổi nơi cư trú…là những nguyên nhân khiến người dân chưa được trả căn cước công dân (CCCD).

Có căn cước gắn chip, đăng ký tài khoản định danh điện tử thế nào?

Có căn cước gắn chip, đăng ký tài khoản định danh điện tử thế nào?

Tài khoản định danh điện tử giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính công qua mạng. Với công dân đã có căn cước gắn chip, Bộ Công an đã có phương án thuận lợi nhất cho người dân.

Gần 60 triệu thẻ Căn cước công dân đã trả về địa phương

Gần 60 triệu thẻ Căn cước công dân đã trả về địa phương

Sáng 18/1, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) thông tin, sau gần một năm triển khai cấp CCCD, đến nay đã in và trả về cho công an địa phương gần 60 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử.