Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố thời gian tới, xây dựng NTM tiếp tục được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện, thể hiện qua việc triển khai Chủ đề năm trong 2 năm liên tiếp đều có thành phố “Xây dựng NTM kiểu mẫu”, từ đó khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án số 05/ĐAUBND ngày 13/07/2023 của UBND Thành phố về mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

W-hatang.png
Tại huyện Kiến Thuỵ, chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu đã từng bước định hình nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn theo hướng đô thị

Tại cuộc họp vào chiều 31/5, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phát triển bền vững thành phố Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định xét, công nhân xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024.

Theo đó, 100% thành viên Hội đồng thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bỏ phiếu nhất trí công nhận 5 xã, gồm các xã: Ngũ Phúc (huyện Kiến Thuỵ), Quốc Tuấn (huyện An Lão), Vĩnh An, Thắng Thuỷ, Tiền Phong (huyện Vĩnh Bảo) đạt chuẩn NTM nâng cao và 6 xã, gồm các xã: Tân Trào (huyện Kiến Thuỵ), Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Trân Châu, Việt Hải (huyện Cát Hải) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Như vậy, đến thời điểm này trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có 89/137 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 54/137 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Năm 2024 thành phố đặt mục tiêu hoàn thành công nhận 53 xã NTM nâng cao (trong đó có 3 xã thuộc kế hoạch năm 2023), 44 xã NTM kiểu mẫu (trong đó có 9 xã thuộc kế hoạch năm 2023). Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của 12 xã đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy) đạt chuẩn huyện NTM nâng cao và tiếp tục thực hiện đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu (sau khi có hướng dẫn của Trung ương).

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, TP Hải Phòng sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, kiên định với các mục tiêu và tiêu chí đã đạt được của giai đoạn trước, nâng cao dần chất lượng các tiêu chí và duy trì tính bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân rộng. Tìm hiểu những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình điểm để vận dụng sáng tạo và điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương; phát huy và nhân rộng các mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu/tiêu chí có tính đến yếu tố vùng miền.

Bên cạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, đối tượng trong mối tương quan giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tách biệt các nhóm đối tượng trên địa bàn đô thị và nông thôn để có phương cách ứng xử phù hợp (hiện nay là đồng nhất), đặc biệt chú trọng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác BVMT nông thôn; xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt trên cùng một địa bàn nông thôn (nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp, chế tài có tính răn đe cao...).

Thứ ba, xác định rõ nguồn lực và quản lý quá trình thực hiện, không trông chờ vào ngân sách nhà nước, mà vận dụng tối đa mọi cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư, từ việc phân định rõ trách nhiệm “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tìm ra phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động cấp nước sinh hoạt, phong trào trồng cây, trồng hoa, cải tạo các khu vực ô nhiễm thời gian qua đã cho thấy, nếu có cơ chế phù hợp, hoàn toàn có thể huy động được cộng đồng và khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, mặc dù khó khăn hơn so với các vùng đô thị, công nghiệp khác.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn.

Đã đến lúc nhận thức cộng đồng được nâng lên, trách nhiệm được phân định, hoạt động được phân công, phân cấp, nhưng khó khăn là thiếu công nghệ phù hợp, mà quan trọng nhất là công nghệ xử lý CTR (tập trung, phân tán, công nghệ hiện đại hay truyền thống…) và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn, bền vững về môi trường. Do đó, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, không phát sinh chất thải là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.