Thông tin này được TS.BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K (cơ sở Tam Hiệp, Hà Nội), chia sẻ bên lề Lễ ký hợp tác Chương trình Quản Lý ung thư gan – Live Longer tại Việt Nam 2022-2023 giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế và Vụ Bảo hiểm y tế, Bệnh viện K và các Hội chuyên ngành, bệnh viện chuyên khoa ung bướu.
Theo TS.BS Anh Tú, tỷ lệ tử vong do ung thư gan tại Việt Nam cao với trên 25.000 ca/năm. Ung thư gan đứng hàng đầu trong nhóm ung thư tại Việt Nam. Nguyên nhân bao gồm virus, lối sống không khoa học, sử dụng quá nhiều bia rượu…
Người dân ít có thói quen sàng lọc, khi có dấu hiệu, khối u lớn, người bệnh mới đến cơ sở y tế thăm khám. Lúc này bệnh ở giai đoạn tiến triển muộn, dẫn đến không phẫu thuật, điều trị.
“Tỷ lệ tử vong do ung thư gan tại Việt Nam cao do chẩn đoán giai đoạn trễ. Chỉ có 10% người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, còn lại đều phát hiện ở giai đoạn muộn. Lúc này điều trị khó khăn và chi phí điều trị lớn”, TS.BS Anh Tú thông tin.
Cũng theo TS.BS Anh Tú, ở giai đoạn không phẫu thuật được, người bệnh được chỉ định phương pháp điều trị hóa chất. Tuy nhiên phương pháp này có thể làm suy chức năng gan sau nhiều lần áp dụng. Giai đoạn muộn hơn, người bệnh sẽ được điều trị bằng phương pháp toàn thân.
Trước đây, người bệnh được áp dụng thuốc điều trị đích tiếp cận được sẽ cải thiện cho bệnh nhân ung thư gan, tuy nhiên chỉ được 6 tháng, 8 tháng.
Vài năm gần đây, liệu pháp miễn dịch kết hợp giữa Atezolizumab và Bevacizumab là thuốc ức chế kết hợp tiêm mạch với thuốc miễn dịch có thể kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn muộn, gấp đôi so với thuốc trước đây. Tuy nhiên chi phí cao. Theo đó, người bệnh thực hiện 3 chu kỳ/năm (hơn 60 triệu đồng/chu kỳ), kéo dài sự sống cho bệnh nhân 1 năm nhưng chi phí lên đến tiền tỷ. Hiện tại, ở Bệnh viện K, khoảng vài chục bệnh nhân tiếp cận với thuốc này.
Chi phí quá lớn và không được bảo hiểm y tế chi trả vì vậy TS.BS Anh Tú chia sẻ, chương trình ký kết lần này hi vọng hỗ trợ cho người bệnh tiếp cận được với thuốc nhằm kéo dài sự sống cho người bệnh ung thư gan.
Tại chương trình, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cũng thông tin, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, sau đại dịch Covid-19 chúng ta sẽ đối mặt với các bệnh khác như huyết áp, ung thư…
Khí hậu nhiệt đới khiến ký sinh trùng dễ phát triển, người dân có nhiều thói quen không tốt như sử dụng nhiều rượu bia dẫn đến tỷ lệ ung thư gan ở nước ta cao, đứng ở nhóm hàng đầu.
Tại Việt Nam, 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư gan là 26.418 ca mỗi năm chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 (6.700 ca).
Các triệu chứng lâm sàng sớm nhất của ung thư gan thường không điển hình và dễ bị bỏ qua. Tình trạng các viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) tiến triển thành ung thư gan sau khoảng từ 20 đến 30 năm. Ung thư gan thường được phát hiện ở giai đoạn muộn vì nhận thức của người dân và thói quen không thường đi khám sức khỏe định kỳ.
Vì thế, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, phát hiện sớm bệnh, nâng cao năng lực chuyên môn y tế và tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các liệu pháp điều trị phù hợp nhất ở từng giai đoạn là các giải pháp hiệu quả trong phòng và điều trị ung thư gan.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, bản ghi nhớ hợp tác Chương trình Quản Lý ung thư gan - Live Longer tại Việt Nam 2022-2023 gồm 3 nội dung. Đó là hỗ trợ tăng cường nhận thức về ung thư gan cho công chúng bao gồm người có nguy cơ cao (trung hạn) và người dân nói chung (dài hạn). Thứ 2, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị ung thư gan, bao gồm: nâng cao năng lực hệ thống y tế thông qua các hành động về khám, phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị, quản lý bệnh; hoàn thiện các hướng dẫn điều trị ung thư gan; xây dựng tiêu chí để triển khai và đánh giá hiệu quả hoạt động đa mô thức trong điều trị ung thư gan.
Cuối cùng là tăng cường khả năng tiếp cận các liệu pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn cho cho bệnh nhân ung thư gan.
Ngọc Trang