Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, quyền con người đang là vấn đề được các nước hết sức quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chụp ảnh chung tại Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA và EVIPA). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thực tế cho thấy, bằng việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thu được nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế, tạo cơ sở và tiền đề quan trọng cho việc bảo đảm và thực thi quyền con người.
Sách trắng về quyền con người năm 2018 khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam về quyền con người. Đó là việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau.
Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người.
Bằng việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thu được nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế, tạo cơ sở và tiền đề quan trọng cho việc bảo đảm và thực thi quyền con người. Ảnh LAD |
Trong một nghiên cứu, đăng trên Tạp chí lý luận chính trị cách nay mấy năm, ThS Trần Thị Hòe, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đúc kết:
Hội nhập quốc tế góp phần phát triển tư duy pháp lý về quyền con người:
Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới và hội nhập đã ghi nhận: “ở nước cộng hòa xãhội chủ nghĩa việt nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xẫ hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong hiến pháp và luật” (điều 50). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, cụm từ “quyền con người” được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp.
Trên cơ sở thành tựu của đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2013.
Hiến pháp 2013 khẳng định, đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc ghi nhận, tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Ngoài nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”(Điều 14), hầu hết các điều đều quy định trách nhiệm và đảm bảo của Nhà nước đối với công dân như Điều 17: “Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”; Điều 28: “Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân, v.v..”
Theo tinh thần Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Hiến pháp năm 2013 đã quy định thành nguyên tắc ở Điều 14, khắc phục sự tùy tiện trong việc hạn chế quyền: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do Luật định.
Một điểm mới trong Hiến pháp 2013 là đã bổ sung một số quyền, như: “Quyền được sống trong môi trường trong lành” (Điều 43), “Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” (Điều 41), thể hiện bước tiến trong việc mở rộng và phát triển quyền con người, phản ánh kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta.
Nội dung và phạm vi chủ thể đã có sự phát triển rõ nét về tư duy pháp lý trong việc xác định các quyền con người trong Hiến pháp và hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. Việc thừa nhận những giá trị chung của nhân loại về quyền con người là minh chứng cho việc Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Hội nhập quốc tế tạo ra những cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh và bền vững - điều kiện cần thiết để bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người ở Việt Nam
Với những cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh. Các thành phần kinh tế phát triển, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt trong vấn đề tạo việc làm và cải thiện đời sống của người dân. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, kinh tế tăng trưởng, tạo điều kiện cho Nhà nước đầu tư nhiều hơn cho các mục tiêu ưu tiên như giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các vùng khó khăn… Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc (LHQ) về xóa đói giảm nghèo. Chuẩn nghèo quốc gia của Việt Nam cũng từng bước được nâng lên và đang dần tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế. Thành công về tăng trưởng và ổn định kinh tế trong thời gian qua của Việt Nam đã góp phần không nhỏ để ngày càng bảo đảm tốt hơn các quyền của người dân trên mọi lĩnh vực.
Hội nhập quốc tế thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó quyền con người không chỉ được đảm bảo ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ quốc tế.
Một trong những ưu tiên giải quyết của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 là góp phần ngăn chặn xung đột, tăng cường ngoại giao phòng ngừa, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, tăng cường chủ nghĩa đa phương, củng cố phát triển bền vững, đấu tranh chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy quyền con người.
Có thể nói ưu tiên này đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam cùng các thành viên khác của Liên hợp quốc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân, cũng là mục tiêu cao nhất để bảo đảm quyền con người trên cấp độ toàn cầu.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Ảnh minh họa. |
Việt Nam luôn tôn trọng tính phổ quát của các quyền con người. Tới nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ thành viên.
Là thành viên tích cực của các Công ước về quyền con người của LHQ, Việt Nam và các quốc gia đã thiết lập cơ chế giám sát quốc tế tình hình bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người trên lãnh thổ quốc gia. Trong cơ chế này, ủy ban về quyền con người đã được thành lập và các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải xây dựng, bảo vệ Báo cáo quốc gia định kỳ tình hình thực hiện Công ước trước ủy ban.
Ngày 28/1/2019 Vệt Nam đã bảo vệ thành công UPR chu kỳ II và tháng 7/2019 đã thông qua báo cáo UPR trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, có sự tham gia của 107 quốc gia, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Không thể phủ nhận, quá trình hình thành và hoạt động của các cơ chế quốc tế nói trên đặt ra những nghĩa vụ bắt buộc đối với các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Đó cũng chính là cơ sở cho việc hiện thực hóa các quyền con người của người dân trên lãnh thổ quốc gia thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hải Văn