Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hạ Long đã tổ chức chương trình “Phụ nữ Hạ Long - Vũ điệu bên bờ di sản” với sự tham dự của trên 1.300 cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn thành phố.
Chương trình không chỉ góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống vẻ vang của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cổ vũ, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới mà còn là dịp để hội viên, phụ nữ góp sức quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh, thương hiệu thành phố du lịch Hạ Long an toàn, thân thiện, văn minh, hiện đại, là nơi đáng đến và đáng sống.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hạ Long, bám sát các nội dung, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 17-NQ/TU, Kế hoạch hành động số 170 của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hạ Long đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nhằm sớm đưa nghị quyết vào đời sống.
Cùng với hình thức tuyên truyền truyền thống qua sinh hoạt tổ, hội, tọa đàm, hội nghị, Hội linh hoạt lồng ghép truyền thông qua mạng xã hội, trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, huy động sự tham gia đông đảo của hội viên phụ nữ tại cơ sở. Qua đó, vừa tạo sân chơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh cũng như thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, phát huy, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của địa phương.
Xác định công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 17-NQ/TU là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để các cấp Hội, hội viên phụ nữ hiểu và đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã cụ thể hóa nhiệm vụ “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” trong các kế hoạch, nghị quyết, chương trình công tác trọng tâm năm 2024 của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Theo đó, tập trung phổ biến, quán triệt đến 100% cán bộ Hội chuyên trách, ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, chi/tổ trưởng, hội viên nòng cốt bằng nhiều hình thức (hội nghị, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, hội thi, lồng ghép sinh hoạt chi tổ Hội, qua các kênh truyền thông, Internet và mạng xã hội; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến của phụ nữ trong việc gìn giữ văn hóa...).
Trên cơ sở đó, 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chủ động, sớm tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện ngay trong quý I năm 2024 gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ.
Đến nay, 100% cán bộ hội, hội viên được tuyên truyền về những giá trị đặc trưng của tỉnh, của con người Quảng Ninh; 90% hội viên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn hóa của tỉnh, địa phương, của Hội; 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện có ít nhất một mô hình về phát huy giá trị văn hóa, con người địa phương.
Đặc biệt, việc tổ chức các sự kiện truyền thông lớn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đều gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh nhằm lan tỏa tinh thần của Nghị quyết 17-NQ/TU đến đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân.
Để phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của phụ nữ trong phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh tiếp tục tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phù hợp với nền kinh tế số, văn hóa số, xã hội số, công dân số.
Chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện có hiệu quả quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc; thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.