Thời gian qua, Trường THPT Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) đều thường xuyên, trong năm học, nhà trường đều mời lực lượng Công an đến nói chuyện với học sinh về các chủ đề: An toàn giao thông, phòng chống ma túy, nạn tảo hôn, bạo lực học đường… Cùng với đó, trong những tiết học thêm về kỹ năng sống, các thầy, cô trong trường cũng thường xuyên lồng ghép để phổ biến tới học sinh những kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng tai nạn thương tích...

Tại Bắc Kạn, thời gian qua ngành Giáo dục tỉnh đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh luôn được chú trọng. Nội dung và hình thức tuyên truyền ngày càng được đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh. Theo đó, nhiều trường học đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức trong các buổi chào cờ đầu tuần, tại các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp…, thông qua các hình thức như: Thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi... Đồng thời phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học”…, giúp cho các em học sinh yêu thích và rất hào hứng tham gia.

W-minhhoa.png

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trong năm học 2022 -2023, các nhà trường đã lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục trong các giờ học chính khóa phù hợp với môn học và nội dung giảng dạy; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá. Toàn tỉnh đã tổ chức được 2.256 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với 221.352 lượt cán bộ giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã ghi nhận nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả.

Theo đó, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các học sinh, sinh viên; đặc biệt có những mô hình đã phát huy được hiệu quả tại các địa phương, nhà trường như: Cổng trường học an toàn giao thông; mô hình “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên”; mô hình các câu lạc bộ phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho học sinh theo từng cấp học; mô hình giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh gắn với phổ biến pháp luật về chủ quyền biển đảo; mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật”; hình thức phổ biến pháp luật thông qua hội thi,…

Các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật trên đều có ý nghĩa giáo dục tích cực, bồi dưỡng ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt trong việc thực hiện pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao hiệu quả thi hành và bảo vệ pháp luật gắn với xây dựng ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của cán bộ, nhà giáo, người học trong ngành giáo dục.

Tích hợp nội dung giáo dục với môn học chính khoá

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy năm 2023. Nội dung quan trọng trong kế hoạch là yêu cầu các nhà trường tích hợp nội dung giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy trong một số môn học chính khóa. Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục; tích hợp nội dung giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy trong một số môn học chính khóa theo quy định.

Đồng thời yêu cầu các trường học chủ động phối hợp với các ngành, tổ chức có liên quan để nắm bắt, phát hiện sớm các trường hợp có liên quan đến tệ nạn ma túy để tư vấn, giúp đỡ, giám sát kịp thời.

Vệc tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép vào nội dung học chính khoá cũng đã được các trường học tại Hà Tĩnh triển khai thực hiện trong những năm gần đây.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các nhà trường bên cạnh việc tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, tổ chức quán triệt và ký cam kết thực hiện nội quy trường học cũng như các quy định pháp luật về ATGT, ANTT, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, thì cần lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật vào môn học chính khoá như, trong các tiết học môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, lịch sử hay chào cờ, sinh hoạt đầu giờ…,  Đến nay, nhiều trường học đã chủ động lồng ghép những kiến thức có liên quan trực tiếp học sinh như Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Phòng chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ,... để các em được tiếp cận, hiểu rõ.

Ngoài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo các chương trình giáo dục, tiết học do giáo viên đảm nhận, chủ yếu là môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật… thì hằng năm, Sở còn chủ động xây dựng kế hoạch, ký kết tuyên truyền với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn và các tổ chức đoàn thể khác.

Theo đó, trung bình mỗi năm học, các trường học trong toàn tỉnh tổ chức được hơn 300 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp với hơn 250.000 lượt học sinh, giáo viên tham gia.

Văn Dương và nhóm PV, BTV