Điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy, ông Nguyễn Văn Xuân (phố Chu Văn An, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) cho biết: Do bị tai nạn giao thông, lại có một số bệnh nền nên tôi chuyển điều trị tại bệnh viện này. Trước kia, thủ tục nhập viện mất khá nhiều thời gian, thì nay chỉ khoảng chục phút và chỉ cần sử dụng căn cước công dân gắn chíp. Trong suốt quá trình nằm viện, tôi nắm vững được tình trạng bệnh của mình, cũng như thuốc sử dụng hằng ngày...

Quảng Ninh 1.jpg
Các bệnh viện ở Quảng Ninh đều đã thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh BHYT cho người dân bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp.

Không chỉ Bệnh viện Bãi Cháy, hiện nay toàn tỉnh có 231 cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh BHYT triển khai thực hiện sử dụng căn cước công dân có gắn chíp trong khám, chữa bệnh. 5 tháng đầu năm 2024, số lượt tra cứu thành công căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT là 1.141.217 lượt, đạt tỷ lệ 80,52% số tra cứu. Cùng với đó, việc thực hiện chi trả tiền khám chữa bệnh qua tài khoản đã giúp người bệnh không phải mang nhiều loại giấy tờ và cầm tiền mặt trong quá trình đi khám, chữa bệnh như trước.

Đồng thời, việc triển khai khám chữa bệnh từ xa cũng giúp nhiều bệnh nhân được tư vấn, khám bệnh kịp thời từ các bác sĩ giỏi. Từ đầu năm đến ngày 10/5/2024, theo ghi nhận từ hệ thống phần mềm Vtelehealth của Bộ Y tế, toàn tỉnh đã có 6.067 tài khoản được cài đặt, có 323 phiên hỗ trợ tư vấn sức khỏe qua ứng dụng.

Không chỉ lĩnh vực y tế, những tiện ích từ xã hội số khác như liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, liên thông trong cấp giấy giấy khám sức khỏe cho người lái xe... giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm chi phí; đồng thời, việc cấp các giấy tờ cho người dân cũng được chính xác, không trùng lặp.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bãi Cháy hướng dẫn cán bộ hưu trí phường Việt Hưng (TP Hạ Long) ghi thay đổi thông tin nhận lương hưu qua tài khoản thẻ ATM. Ảnh: Dương Trường
Nhân viên Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bãi Cháy hướng dẫn cán bộ hưu trí phường Việt Hưng (TP Hạ Long) thay đổi thông tin nhận lương hưu qua tài khoản thẻ ATM. Ảnh: Dương Trường

Việc triển khai mạnh thanh toán không dùng tiền mặt từ vùng thành thị đến nông thôn cũng giúp người dân thuận tiện hơn trong mua bán, trao đổi hàng hóa; thuận tiện trong chi trả các dịch vụ điện, nước, học phí, viện phí... và hưởng thụ các dịch vụ. Tiêu biểu với việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người nhận lương hưu... giúp người thụ hưởng không phải canh đúng ngày để đến nhận lương, trợ cấp tại các điểm quy định. Đến đầu tháng 5/2024, toàn tỉnh có 61.808/131.061 người hưởng trợ cấp, hưởng lương hưu được chi trả qua tài khoản.

Để hỗ trợ phát triển xã hội số, tỉnh chỉ đạo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dữ liệu số, nền tảng số trên địa bàn. Đến đầu tháng 5/2024, toàn tỉnh đã thực hiện thu thập, cập nhật dữ liệu của 277.438/338.835 trẻ em và kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em của tỉnh với cơ sở dữ liệu quản lý dân cư theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và đưa vào ứng dụng, sử dụng trong thực tế; thu thập, cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội trên 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội; có 110.748 người lao động được cập nhật thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động...

Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tích hợp, kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến hết tháng 4/2024, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 147.691/173.600 hồ sơ. Số thủ tục hành chính được công bố công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%.

Tỉnh đã cung cấp 1.240/1.367 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, trong đó 908 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 332 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; tích hợp, kết nối 1.248 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ngành lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Anh Lê Văn Hiền (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) làm thủ tục đổi giấy phép lái xe trực tuyến. Ảnh: Ngọc Trâm
Anh Lê Văn Hiền (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) làm thủ tục đổi giấy phép lái xe trực tuyến. Ảnh: Ngọc Trâm

Các sở, ngành theo lĩnh vực của mình phục trách cũng tích cực trong xây dựng nền tảng số phục vụ phát triển xã hội số trên địa bàn. Tiêu biểu, Sở Y tế phối hợp cùng Trung tâm Thông tin y tế quốc gia triển khai tiếp nhận tài khoản quản trị nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế.

Trên địa bàn tỉnh đến nay có 18 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe. Các cơ sở này đã được liên thông với cổng dịch vụ công; qua đó 3 tháng đầu năm 2024 cung cấp 11.865 giấy khám sức khỏe lái xe liên thông đến cổng dịch vụ công nhằm giúp người dân thực hiện thủ tục xin cấp, đổi giấy phép lái xe một cách dễ dàng.

Việc phủ sóng, kết nối mạng trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng. Sở Thông tin - Truyền thông tiếp tục triển khai xây dựng 7 trạm BTS để phủ lõm sóng theo kế hoạch năm 2023; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông, đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng, chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh...

Đến nay, tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 102%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 93,7%...

Trong tháng 1, tháng 2 và tháng 5/2024, các nhà mạng đã cung cấp miễn phí 2.514 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Huyện Tiên Yên, thị xã Đông Triều triển khai chiến dịch 90 ngày đêm chuyển đổi sim, điện thoại 2G lên 4G và smartphone trên địa bàn...

Những tiện ích từ xã hội số mang lại đã giúp cho người dân được hưởng thụ các dịch vụ một cách thuận tiện nhất; đồng thời góp phần mạnh mẽ trong thúc đẩy phát triển an sinh xã hội trên địa bàn.

 Theo Thu Nguyệt (Báo Quảng Ninh)