Năm 2023 là năm đầu tiên đặt nền móng cho việc thực hiện “Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030”, ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm, hưởng ứng từ các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt là các hội đoàn, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài.

Các hoạt động, sự kiện Tôn vinh tiếng Việt với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã được tổ chức rộng khắp trong và ngoài nước như văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, diễn đàn, hoạt động tri ân, xây dựng tủ sách tiếng Việt…

bui-thanh-son-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong đêm Gala Tiếng "Mẹ" thân thương.

Trong Lễ Tổng kết Gala Tiếng "Mẹ" thân thương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

“Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, phản ánh, duy trì và lan tỏa bản sắc và tinh hoa văn hóa Việt Nam, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc và đại đoàn kết dân tộc... Việc gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc", Bộ trưởng nói. 

Với những người con Việt Nam rời xa quê hương lập nghiệp nơi xứ người, bản sắc Việt được thể hiện qua những tà áo dài, câu đối đỏ hay tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết hay nét văn hóa ẩm thực đặc trưng. Điều này rất cần được các bạn trẻ hiểu, trân trọng và duy trì.

20230730-102948-1-1.jpg
Nhóm kiều bào trẻ từ Australia, Ba Lan và Ukraine trở về thăm quê hương.

Tuy vậy, hiện nay, trong các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài, thế hệ F2, F3 không có điều kiện tiếp xúc với bản sắc văn hóa Việt do không thường xuyên dùng tiếng Việt. Vì thế, việc thường xuyên tổ chức các sự kiện cộng đồng, các lớp học văn hóa Việt dành cho kiều bào là hết sức cần thiết.

Phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ góp phần cho các thế hệ trẻ hiểu, bảo tồn được bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc mà còn giúp các em tự tin ngẩng cao đầu tự hào về nguồn cội của mình ở nơi xa quê.

Việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới ngày càng được Chính phủ Việt Nam coi trọng và không ngừng nỗ lực để phát triển.

Lê Hồng Châu Long (Ukraine) cho biết: “Trong tim em luôn có một vị trí đặc biệt cho Việt Nam và dù ở xa, em vẫn luôn suy nghĩ làm sao có thể đem những điều tốt đẹp về với đất nước mình. 

Bên cạnh mong muốn tiếp tục dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt ở Ukraine, em còn có ý tưởng xây dựng mạng lưới tình nguyện viên ở Thanh Hóa cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mạng lưới này không chỉ giúp các em có điều kiện đến trường mà còn giúp các em học tập, định hướng tương lai. 

Nhờ tiếng Việt mà em có thể kết nối được với nhiều bạn thanh niên tình nguyện ở Việt Nam, gắn kết với quê hương hơn”.

Châu Long trong Cuộc thi"Tài năng tiếng Việt" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

Để tập nói tiếng Việt tốt, Châu Long chia sẻ, em được nghe tiếng Việt từ nhỏ, nghe đài, nghe ca nhạc, truyện tiếng Việt kết hợp với bố mẹ dạy. “Em nghĩ, năng nói, năng nghe, tiếp xúc nhiều thì bản thân mình sẽ tự ngấm ngôn ngữ và nói được. Việc học tiếng Việt đối với em không bị áp lực hay gặp trở ngại nào”, Châu Long nói.

Bạn Lê Hoàng Yến, một kiều bào trẻ thuộc thế hệ F2 đã theo cha mẹ định cư tại Canada lâu năm chia sẻ quan điểm, là người Việt Nam nên Yến ý thức được cần phải nói tiếng Việt và học văn hóa Việt Nam.

"Dù ở Canada đã gần 17 năm nhưng bố mẹ mình luôn yêu cầu hai chị em nói tiếng Việt, nghe tin tức VTV và đọc truyện tiếng Việt. Thậm chí, bố mẹ còn đặt mua rất nhiều sách Việt sang Canada để hai chị em Yến đọc cùng với sách tiếng Anh trên trường. Nhờ đó, mình tự tin có thể nói hai ngôn ngữ, hiểu và yêu hai nền văn hóa khác nhau”, Yến chia sẻ.

Trần Nhật Tường Vy (Slovakia) rời Việt Nam khi đang học cấp II, vì thế, tiếng Việt với em không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp với người thân, sợi dây kết nối trai tim với Tổ quốc mà còn là nỗi nhớ da diết, đầy cảm xúc. "Khi xa quê, mỗi lần nghe tiếng Việt Nam cất lên, bao cảm xúc trong em đều vỡ òa, thực sự rất thiêng liêng và trân quý", Tường Vy tâm sự. 

w-20230731-2137000-1-352-2.jpg
Trần Nhật Tường Vy (thứ 2 bên phải) đạt Giải ba Cuộc thi Tài năng tiếng Việt.

Việc đưa tiếng Việt ra thế giới để người Việt ở khắp nơi không quên đi cội nguồn dân tộc của bản thân là điều vô cùng trân quý. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ là kế thừa quốc ngữ của cha ông mà còn giúp chúng ta hội nhập, giữ gìn được bản sắc riêng trong cộng đồng văn hóa chung của nhân loại.

Việt Hùng và nhóm PV, BTV