Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở Belarus ngày càng lớn mạnh, hội nhập sâu rộng và đóng góp tích cực cho xã hội sở tại, đồng thời luôn duy trì mối liên hệ, gắn kết với cội nguồn, đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Nhiều hoạt động văn hóa được bà con tổ chức thường xuyên nhằm lan tỏa văn hóa Việt đến các thế hệ kiều bào sinh ra, lớn lên ở Belarus cũng như người dân bản địa. Điển hình như chương trình văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Minsk hồi tháng 4/2024 với chủ đề “Xin chào Việt Nam” đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè Belarus như múa nón, trình diễn áo dài, múa sạp.
Đặc biệt, với sự nỗ lực cộng đồng kiều bào và sự đồng hành, hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus, công tác gìn giữ tiếng Việt ở Belarus ngày càng được cải thiện.
Tiếng Việt xuất hiện ở trong lớp học, trong gia đình và trong các hoạt động cộng đồng của kiều bào. Mỗi khi có dịp tề tựu, gặp gỡ, mọi người cố gắng sử dụng tiếng Việt nhiều nhất có thể, khuyến khích con em nói tiếng Việt cùng nhau.
Tại các lớp tiếng Việt, sau một thời gian theo học, từ những học sinh hầu như không biết mặt chữ cái, không nói được tiếng Việt, các em đã có thể đọc, viết và giao tiếp với bố, mẹ bằng ngôn ngữ Việt. Tập thể lớp đã tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng người Việt như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu...
Việc duy trì dạy tiếng Việt ở nước ngoài không chỉ giúp người Việt trở thành một cộng đồng có bản sắc văn hóa riêng trong xã hội sở tại mà còn giúp duy trì sự gắn kết thiêng liêng giữa cộng đồng với quê hương, đất nước.
Ông Phạm Tất Tuyên, doanh nhân ở Belarus chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, các lớp tiếng Việt do Đại sứ quán Việt Nam cùng Hội Người Việt Nam tại Belarus thực sự đã tạo được sự tích cực, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào học ngôn ngữ mẹ đẻ cho thanh thiếu niên, nhi đồng kiều bào. Lớp có đủ các học sinh từ 4 đến 16 tuổi và được chia theo trình độ, độ tuổi khác nhau.
Mặc dù các lớp học chỉ diễn ra vào cuối tuần nhưng luôn được các em mong chờ. Các em chủ động giao tiếp với bố mẹ bằng tiếng Việt, viết thiệp và thư bằng tiếng Việt gửi cho nhau vào các ngày lễ.
Cùng với các lớp tiếng Việt, hàng năm các em còn tham dự Trại hè Tiếng Việt do Hội Phụ huynh lớp tiếng Việt tổ chức. Mỗi đợt thu hút khoảng 40 - 50 em. Ngoài tạo môi trường, cơ hội để các em thực hành tiếng Việt, Trại hè còn là nơi để các thế kệ kiều bào trẻ kết nối với nhau, tiếp tục xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở Belerus thêm vững vàng.
“Việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn văn hóa Việt cho các thế hệ nối tiếp của cộng đồng là hành trình bền bỉ, đầy gian nan, vất vả. Cơ sở vật chất, phương tiện, tài liệu, sách giáo khoa còn rất thiếu thốn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với sự hỗ trợ, đồng hành của Đảng, Nhà nước Việt Nam và tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc của bà con kiều bào, công tác này sẽ thực sự đi vào cuộc sống và có kết quả tốt”, ông Tuyên nói.
Tham dự Trại hè Việt Nam năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tổ chức, Nguyễn Phương Anh cùng các bạn mang đến Lễ Khai mạc điệu nhảy truyền thống của đất nước Belarus. Cô gái sinh ra và lớn lên ở Belarus nhưng rất am hiểu và sử dụng thông thạo tiếng Việt.
Phương Anh cho rằng, thông qua ngôn ngữ, các em có thể hiểu được lịch sử, văn hóa dân tộc. Để việc học tiếng Việt thêm hấp dẫn, tạo thích thú đối với người học, tại các lớp tiếng Việt ở Belarus, các giáo viên thường lồng ghép những câu chuyện lịch sử, giới thiệu danh lam thắng cảnh Việt Nam trong các bài giảng cho học trò. Những câu chuyện lịch sử và hình ảnh, video, clip về danh lam ở quê hương đất nước đã giúp kích thích trí tò mò, khám phá, tìm hiểu của em và các bạn.
Lần này về Việt Nam, Phương Anh và các bạn đã đến thăm Lăng Bác, thăm Nhà sàn nơi Bác ở, đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên ở Nam Đàn, Nghệ An, đất võ Bình Định và Cố đô Huế... Cô gái trẻ thấy rất vui vì học được nhiều kiến thức, cải thiện thêm khả năng tiếng Việt của mình.
“Khi mới học tiếng Việt em thấy rất khó, các bạn cũng vậy nhưng được bố mẹ, cô chú trong cộng đồng động viên rằng tiếng Việt là ngôn ngữ quê hương của mình, phải học thật tốt mới gìn giữ được cội nguồn. Từ đó em quyết tâm học tiếng Việt hơn. Em thấy tiếng Việt rất hay và có nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc”, Phương Anh tâm sự.