Video: Tiết mục của các trại sinh trở về từ Lào

Tối 16/7, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Lễ khai mạc Trại hè Việt Nam 2024 với chủ đề "Đất nước trọn niềm vui".

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vui mừng chào đón 120 thanh niên, sinh viên kiều bào tiêu biểu đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về tham gia Chương trình Trại hè Việt Nam 2024.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh truyền thống quý báu của các thế hệ người Việt: "Con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn", cho dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu, trở về với đất Tổ, quê hương luôn là tình cảm thiêng liêng, là khát vọng cháy bỏng của mỗi con dân đất Việt.

W-450192487_999144988191189_1187601380930951256_n.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ năm 2004, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức Chương trình Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài. 

Trại hè Việt Nam 2024 với chủ đề "Đất nước trọn niềm vui" sẽ xuất phát từ Hà Nội, đi dọc theo chiều dài đất nước và dự kiến kết thúc tại TP HCM. Đây cũng là chương trình đặc biệt nhằm hưởng ứng và hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như 70 năm giải phóng Thủ đô, 50 năm thống nhất đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng, sau bỡ ngỡ ban đầu, các em sẽ rất vui khi có những người bạn mới trên chính quê hương Việt Nam thân yêu. Các em sẽ thêm yêu và hiểu đất nước mình hơn. Đây cũng là dịp để các em tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc và biết ơn những anh hùng liệt sỹ, thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay.

Chương trình Trại hè Việt Nam 2024 tạo thêm cơ hội cho các thế hệ trẻ gắn bó với quê hương, đất nước, được trải nghiệm và làm giàu thêm vốn văn hóa. Đây cũng là cơ hội để các thế hệ trẻ người Việt trên toàn thế giới có điều kiện tiếp xúc, kết nối với nhau, từ đó cùng giao lưu, học hỏi tiếng Việt. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hy vọng, thông qua những hoạt động bổ ích và thiết thực của Trại hè Việt Nam năm nay, các thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài sẽ phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, duy trì các mối quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước; cùng thanh niên trong nước phấn đấu vì một nước Việt Nam hùng cường, có vị thế và vai trò ở khu vực và trên thế giới.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Nguyễn Mạnh Đông, "Mỗi năm, Ban Tổ chức đều nỗ lực tổ chức những hoạt động mới để chương trình ngày một hấp dẫn hơn. Đến nay đã có khoảng gần 3.000 đại biểu tham dự Trại hè Việt Nam qua các năm tổ chức.

Năm nay, lần đầu tiên, Lễ khai mạc chương trình được tổ chức tại chân Cột cờ Hà Nội, thuộc khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đây là một địa điểm có giá trị lịch sử to lớn. Lá cờ là biểu tượng thiêng liêng, biểu trưng cho ý chí độc lập, tự chủ quật cường của dân tộc Việt Nam; qua đó phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc tới thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình có các hoạt động phong phú, ý nghĩa như tri ân tổ tiên, các anh hùng liệt sỹ; gặp gỡ, giao lưu giữa thanh niên kiều bào với nhau và với thanh niên trong nước; tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục truyền thống của dân tộc; tham quan các danh lam thắng cảnh, văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam...

W-449840116_812720090965495_1280834609843715911_n.jpg
Các trại sinh hân hoan trở về từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Trại hè Việt Nam năm 2024, thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được tăng cường. Các thanh niên, sinh viên kiều bào sẽ được tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng), nghe nói chuyện về biển đảo Việt Nam và giao lưu với học viên của Học viện Hải quân (Khánh Hòa)...

Các em cũng có cơ hội tham quan Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành của Giáo sư Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp, nhà khoa học nghiên cứu về lý thuyết vật lý nguyên tử, truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học tới thế hệ trẻ); tham quan Bảo tàng Mỹ thuật của bà Cecile Le Pham (Việt kiều Pháp). Đây đều là những tấm gương kiều bào thành đạt và đầu tư về Việt Nam...

Trở về từ Romania, Trần Yến Vy cho biết đây là lần thứ 5 em trở về Việt Nam. Gia đình em luôn gìn giữ và duy trì những nét đẹp văn hóa Việt Nam trong những ngày lễ, Tết truyền thống của dân tộc, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Quan trọng nhất là gia đình rất chú trọng đến dạy và giao tiếp với các con bằng tiếng Việt. 

“Những bữa cơm Việt Nam, nói tiếng Việt Nam luôn xuất hiện trong gia đình. Bố mẹ em nói, tiếng mẹ đẻ ngoài là ngôn ngữ để kết nối với bà con kiều bào trên khắp thế giới, đó còn là sợi dây nối mình với cội nguồn. Dù ở đâu, làm gì, chúng em luôn tự hào về dòng máu Việt Nam, cố gắng góp sức để tiếng Việt vươn xa, cộng đồng kiều bào Việt Nam lớn mạnh, vững vàng, cùng phát triển. Về Việt Nam dịp này, gặp các bạn trại sinh, nói chuyện bằng tiếng Việt em thấy rất hạnh phúc và thân thương”, Trần Yến Vy chia sẻ.