Nghị trường phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đôi lúc thấy rõ sức nóng khi đại biểu dùng quyền tranh luận về thực trạng rút BHXH 1 lần, từ đó gợi mở giải pháp.
Thông điệp sau mỗi lao động mất việc là cả một gia đình
Ngày 6/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, không ít đại biểu đã sử dụng quyền tranh luận để nói về thực trạng gia tăng rút BHXH 1 lần, đòi hỏi làm rõ nguyên nhân, giải pháp.
Một số đại biểu chỉ rõ, người lao động mất việc, tiền bạc tích lũy bị bào mòn, nên phải rút BHXH 1 lần như cứu cánh để trang trải. “Sau lưng mỗi người lao động mất việc là cả một gia đình”, ĐB Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) nêu và lưu ý, giải quyết tốt câu chuyện của lao động, xã hội sẽ bớt đi nhiều vấn đề.
Phúc đáp vấn đề các ĐB Nguyễn Thanh Cầm, Trần Thị Diệu Thúy đề cập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, số rút BHXH khoảng 500.000 người/năm. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này tăng lên hơn 900.000 người/năm.
“Số người rút BHXH 1 lần gần bằng số người tham gia, đây là nguy cơ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và chia sẻ, nếu tình trạng rút BHXH 1 lần không giảm, sẽ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội cũng khó bền vững.
Nêu nguyên nhân, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề cập thẳng thắn, do thu nhập của người lao động ở mức thấp, tuyệt đại bộ phận rơi vào công nhân lao động, còn công chức, viên chức thì rất ít.
“Đối tượng rút BHXH 1 lần mấy năm qua gia tăng ở khu vực công nhân và tại phía Nam (chiếm 72%), đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ”, ông Đào Ngọc Dung thông tin.
Vì sao số rút BHXH 1 lần tăng, theo Bộ trưởng, không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH 1 lần dễ như Việt Nam. Ông nói, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này lại chưa được thực hiện hiệu quả.
Dùng quyền tranh luận lần 2 với Bộ trưởng, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) chưa hài lòng về nhận định nguyên nhân do công tác tuyên truyền. Bà cho rằng, mong muốn của người lao động là chính sách BHXH nhất quán và tính ổn định lâu dài. Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy, có yếu tố 10 năm sửa Luật, với những chính sách về BHXH khác đi dẫn đến sự không an tâm nên mới tính toán đến lợi ích của việc rút 1 lần, sau đó tham gia lại ra sao.
Cùng tranh luận, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt vấn đề, số người rút BHXH 1 lần thời gian qua từ 500.000 lên 900.000 người/năm là rất đáng quan ngại.
“Người lao động rút BHXH 1 lần thường là bất đắc dĩ và là nguyện vọng thực sự của họ nên cần được tôn trọng, nhưng cũng cần phải có giải pháp để đảm bảo Quỹ bảo hiểm được ổn định”, ông Nguyễn Anh Trí nói.
ĐB Nguyễn Anh Trí đồng tình với việc giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người gửi và giữ tính ổn định của Quỹ. Tuy nhiên, ông đề xuất giải pháp cân nhắc phương án trong 5 năm đầu tiên, nếu người đóng rút thì chỉ được trả lại đúng số tiền đã đóng. Từ 6-15 năm tiếp được trả số tiền đóng cộng với lãi suất tiết kiệm trung bình. Trên 15 năm thì trả lại toàn bộ tiền họ đóng, kể cả tiền cơ quan đã đóng cho họ. "Đó là một đề xuất, hy vọng Bộ trưởng LĐ-TB&XH và các Bộ trưởng khác suy nghĩ để giải quyết cho thấu đáo", ĐB Nguyễn Anh Trí nói.
Đóng BHXH 15 năm hoặc tiến tới có thể 10 năm
Trả lời tranh luận của ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ nguyên nhân quan trọng, sâu xa nhất là làm sao cải thiện đời sống người lao động.
Về việc sửa Luật BHXH, Bộ trưởng cho rằng, cần tính tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm, nếu tiếp tục đóng 20 năm thì người lao động không chờ đợi được, nhất là ở những ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm, giảm đóng BHXH xuống 15 năm hoặc tiến tới có thể 10 năm theo thông lệ quốc tế. Tương ứng là đóng ít hưởng ít, bên cạnh đó là nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng hưởng và bình đẳng.
“Việc dừng rút BHXH 1 lần là vấn đề khó khăn, nhưng có quy định về điều kiện, trường hợp nào được rút, mức độ rút như thế nào”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết sẽ thể chế các nội dung trên trong Luật BHXH sửa đổi để tới đây trình Quốc hội xem xét quyết định.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng khẳng định, sửa đổi Luật BHXH sẽ theo hướng không hạn chế quyền, mà tăng quyền lợi cho người đóng. Đồng thời sẽ có các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động nữ.
Kết luận phiên chất vấn, đi vào vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật BHXH sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến.
“Việc sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH cần đảm bảo mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Vấn đề tuổi ngoài 40 của lao động nữ
Nêu vấn đề từ thực tiễn, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chỉ rõ khó khăn của đối tượng lao động nữ ngoài 40 tuổi. “Do doanh nghiệp cắt giảm, cơ việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi sau mất việc là rất thấp, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút BHXH 1 lần”, bà Nguyễn Thị Thủy nói và đề nghị Bộ trưởng tham mưu Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ nhóm đối tượng này khi mất việc.
Phúc đáp ý kiến trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ ông đã đọc báo cáo về lao động ngành nghề dệt may, giày da. Trong chuyến kiểm tra mới đây, ăn cơm cùng công nhân, ông nhận thấy hầu hết các ngành nghề dệt may, giày da phần lớn là lao động nữ.