Nghị quyết số 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành và thực hiện đã góp phần duy trì cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm. Điểm sáng của việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP là chính sách này đã hỗ trợ một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, thậm chí một số chính sách còn được đề xuất tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu người lao động, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 508.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là khoảng 45.600 tỷ đồng. Trong 12 chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động được đánh giá là chính sách có mức độ triển khai thấp nhất.

Chỉ ra bức tranh lao động bị mất việc làm, giãn việc cần có chính sách hỗ trợ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thống kê của tổ chức công đoàn cho thấy đến đầu tháng 12/2022 đã có khoảng 482.000 lao động bị ảnh hưởng như mất việc, trong đó, số người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng. Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thống kê số lao động bị chấm dứt hợp đồng không quá lớn so với số bị ảnh hưởng do giảm giờ làm, nghỉ luân phiên.

“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nên chăng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành có thể nghiên cứu tiếp tục đề xuất, tham mưu với Chính phủ có một chính sách hay nghị quyết giống với Nghị quyết 68 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và người lao động bị ảnh hưởng do việc cắt, giảm đơn hàng có công ăn việc làm,” ông Phan Văn Anh kiến nghị.

Trước những đề xuất về chính sách hỗ trợ trong thời gian tới của đại diện doanh nghiệp và tổ chức công đoàn, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết đến nay đại dịch COVID-19 ở nước ta đang được kiểm soát tốt và đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP được thiết kế mang tính chất ngắn hạn, áp dụng mang tính tạm thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đến nay về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ cho phép không tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuối năm 2022 đã ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp khiến hàng trăm nghìn lao động phải tạm hoãn hợp đồng, mất việc. Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh xây dựng chính sách quan trọng là phải xác định đối tượng hỗ trợ, cách thức tổ chức ra sao cho hiệu quả và giảm thiểu thủ tục hành chính nhiều nhất có thể. Chính sách phải đảm bảo sử dụng ngân sách đúng quy định của pháp luật nhưng cũng thuận lợi trong thực hiện để người dân dễ tiếp cận nhanh, đó là cái khó trong xây dựng chính sách để thời gian tới hỗ trợ tốt hơn.

Quyết Thắng, Ngọc Trang, Nguyễn Thắng