Hội luật gia dân chủ quốc tế, Quỹ quốc tế “Con đường hòa bình” và Viện thông tin khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga vừa phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hoà bình và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Sự kiện được tổ chức tại Nga thu hút sự tham gia của các chuyên gia luật, chuyên gia về Biển Đông của Nga, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines. Đoàn Hội Luật gia Việt Nam do bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội dẫn đầu tham dự hội thảo. 

Theo PV VOV, phát biểu tham luận tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm ASEAN, Australia và châu Đại dương, Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay đang gia tăng căng thẳng. Ông Dmitry Mosyakov cũng đánh giá cao chính sách của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng.

Tiến sỹ Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao phát biểu tham luận tại hội thảo với chủ đề “Nỗ lực của Việt Nam vì hoà bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông”. Trong đó, Tiến sỹ Lại Thái Bình khẳng định, Việt Nam kiên định theo đuổi cách tiếp cận chủ động nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển khu vực, đồng thời tiếp tục kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông.

W-biendong-1.png
Ảnh minh hoạ

Với chủ đề “Lẽ phải của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông”, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh khẳng định chủ trương, chính sách xuyên suốt của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định để phát triển. Các chủ trương của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông luôn xuất phát từ chủ quyền phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và thực tiễn lịch sử.

Bà Lê Thị Kim Thanh nhấn mạnh, Việt Nam là một đối tác có trách nhiệm trong việc thúc đẩy các quyền và lợi ích chính đáng của các nước trong vấn đề Biển Đông.

Trong phần kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội luật gia dân chủ quốc tế Edre Olalia khẳng định, các nước cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các giải pháp toàn diện trong giải quyết vấn đề Biển Đông (gồm các giải pháp pháp lý, thúc đẩy hợp tác chung trên thực địa như tuần tra chung, tiếp tục xây dựng lòng tin và phi quân sự hóa để giảm căng thẳng, tranh thủ nhiều hơn các diễn đàn hợp tác, thu hút quan tâm ở các khuôn khổ rộng lớn như Liên Hợp Quốc...), trong đó ASEAN cần tăng cường hợp tác nội khối về vấn đề này.

Theo quan sát của VOV, các chuyên gia, đại biểu đều đánh giá hội thảo là một sự kiện rất có ý nghĩa, nhằm tạo diễn đàn để thảo luận, phân tích tình hình, đồng thời tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông, ngăn chặn các nguy cơ xung đột trên thực địa.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá về các chủ đề: Tổng quan về tình hình Biển Đông và hiệu quả hợp tác quốc tế, khu vực; chính sách của một số nước trong vấn đề Biển Đông; các yếu tố địa chính trị trong quan hệ quốc tế và tác động đối với tình hình Biển Đông; vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển…

Phạm Thị Thiện, Nguyễn Thu Hà