Huyện Mường Lát có đường biên giới dài hơn 100km giáp với các huyện thuộc tỉnh Hủa Phăn, Lào. Địa hình khó khăn và đời sống người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như người Thái và người Mông. Nhiều đồng bào dân tộc không biết chữ, đời sống kinh tế của họ khó khăn. Nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc tại đây, đồn Biên phòng thuộc tuyến biên giới Bộ Đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức mô hình “Tiết học biên cương”. 

Hằng năm, các đồn biên phòng phối hợp với Phòng giáo dục huyện Mường Lát tổ chức tại các điểm trường, trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Mục đích của lớp học là trang bị cho các em học sinh vùng biên giới các kiến thức cơ bản về chủ quyền, an ninh biên giới, nâng cao nhận thức của các em về trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc quê hương.

"Tiết học biên cương" thầy giáo trực tiếp là các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng đứng lớp. Các em học sinh sẽ được thầy giáo đặc biệt cho làm quen với những câu đố vui, phố biển về chính sách pháp luật. Mỗi tiết học một chủ đề do chính các cán bộ trong đồn biên phòng biên soạn. Phân chia các tiết học theo nội dung như Luật An toàn giao thông, Luật phòng chống rượu bia, Luật Biên phòng Việt Nam...

lop hoc bien cuong 1.png
Tiết học biên cương do các thầy giáo tại Đồn biên phòng cửa khẩu Tén Tằn thực hiện. 

Nội dung giáo dục dễ hiểu, dễ nhớ. Từ những kiến thức đã học qua tiết học biên cương, các em học sinh đã có nhiều hành động đúng đắn tham gia cùng lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc an ninh biên giới.

Theo thầy giáo Cao Xuân Hợi, Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tén Tằn, hàng năm nhà trường phối hợp với Bộ đội biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn mở các tiết học đặc biệt này. Những thầy giáo đeo quân hàm xanh cùng với thầy cô trong trường mong muốn truyền tải tới các em học sinh kiến thức về lịch sử, về địa lý, các cột mốc biên cương có ý nghĩa như thế nào.  Phương pháp giảng dạy, thời lượng nội dung kiến thức được thiết kế phù hợp lứa tuổi học sinh và được truyền tải bằng những hình ảnh, thông tin sinh động.

Từ đó, học sinh có thêm tình yêu thương với quê hương, tự hào tự tôn dân tộc. Nhiều học sinh tự viết các báo cáo đều thể hiện giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ và các em tham gia tích cực vào công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Em Trần Thị Tuyết, học sinh trường Trung học phổ thông huyện Mường Lát chia sẻ tham gia tiết học biên cương học sinh không chỉ được nâng cao hiểu biết về đất nước con người, các quy định của pháp luật. Bản thân các em còn được tham gia lớp học trực tiếp tại các cột mốc, tham gia vào các buổi lễ Xuân biên phòng tại Đồn biên phòng. Qua đó, học sinh nhận được nhiều bài học trong cuộc sống. Nếu trước đây, nhiều người tự do đi lại qua biên giới thì đến nay Tuyết biết được việc đi lại như vậy là vi phạm pháp luật. 

Em Hà Thị Minh (trường THCS xã Tén Tằn) chia sẻ "Tiết học biên cương" đã cho em kiến thức về truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới, lãnh thổ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới.

Tại đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, các tiết học này được tổ chức luân phiên giữa các bậc học kết hợp với các buổi dạy ngoại khóa. Các em có thêm kiến thức bảo vệ đường biên, cột mốc, ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia. Học sinh cũng trở thành nhưng  “sứ giả” tuyên truyền về an ninh biên giới, bảo vệ cột mốc biên cương.

Hiện nay, tại Mường Lát mô hình này được triển khai tại các Đồn biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, Tam Chung, Quang Chiểu qua đó hình thành ý thức, trách nhiệm từ nhỏ sẽ tạo nên những suy nghĩ, hành động đúng đắn cho các em học sinh trong việc tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên cương của Tổ quốc trong tương lai.

Việt Hùng và nhóm PV, BTV