- Tận tụy với công việc, hết lòng với người bệnh dù làm Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương nhưng PGS.TS Trần Ngọc Lương vẫn thường xuyên tham gia các ca phẫu thuật. 

Clip 1: PGS Ngọc Lương và những câu chuyện về nghề y  Clip 2: PGS Ngọc Lương nói về sáng chế mổ nội soi tuyến giáp

 

 Xem toàn bộ phần trả lời của PGS Ngọc Lương. 

Nhà báo Kiên Trung: Ban đầu ông công tác tại Khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai đến năm 2001 chuyển công tác sang Bệnh viện Nội tiết Trung ương để gây dựng lại khoa ngoại cho nơi này. Quá trình gây dựng khoa ngoại tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương có nhiều khó khăn, vất vả không, thưa ông?

- Bệnh viện Nội tiết Trung ương trước đây ở Thái Thịnh chỉ rộng 3400m2, rất chật hẹp và không có khoa ngoại. Các bệnh nhân sau khi khám bệnh cần mổ đều phải chuyển đến bệnh viện khác, rất bất tiện. Vì thế khi được Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - Giáo sư Tạ Văn Bình mời sang để mở khoa ngoại, tôi đã đồng ý.

Bệnh viện khi ấy thiếu thốn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cần thiết nhưng lại không có kinh phí. Giám đốc chỉ giao cho tôi 500 triệu để sắm sửa mọi thứ, nhưng mua một chiếc máy gây mê đã 280 triệu. Tôi phải mua hai bộ dụng cụ của Trung Quốc với giá 40 triệu mỗi bộ nhưng không có chiếc kéo phẫu thuật nào.

Tôi đã phải sử dụng đồ của tôi do chuyên gia, bạn bè tặng và phải về kho đồ cũ của Bệnh viện Bạch Mai lục lọi những thứ còn dùng được mới có thể phục vụ cho những ca phẫu thuật. Nhưng hiện nay, khoa phẫu thuật và gây mê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã đầy đủ mọi trang thiết bị vừa nhằm mục đích chữa bệnh, vừa phục vụ công tác giảng dạy cho các bạn sinh viên.

Với vai trò bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phải chịu những áp lực nào?

- Bệnh viện Nội tiết Trung ương là bệnh viện hạng nhất trực thuộc Bộ Y tế, là bệnh viện đầu ngành về các vấn đề nội tiết và rối loạn chuyển hóa. Ngoài cơ sở tại Thái Thịnh, chúng tôi đã xây dựng thêm một cơ sở mới ở Pháp Vân để giảm tải số lượng bệnh nhân. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, số bệnh nhân ở cả hai cơ sở đều rất đông.

Ngoài khám chữa bệnh tại bệnh viện, chúng tôi còn thực hiện hai dự án: phòng chống các bệnh thiếu hụt iot và phòng chống bệnh đái tháo đường trên khắp 63 tỉnh thành. Để hoàn thành tốt tất cả công việc, các y bác sĩ của bệnh viện đều chịu rất nhiều áp lực.

Trước đây có nhiều trường hợp bệnh nhân từ các tỉnh tập hợp lại thành một nhóm bắt xe lên thành phố từ rất sớm xếp hàng chờ tới lượt, bác sĩ nghĩ sao về tình trạng này?

- Ở một số địa phương, bệnh nhân liên kết với nhau thuê xe lên thành phố khám. Tình trạng này vẫn còn tồn tại vì theo tôi đó là một cách tốt cho các bệnh nhân ở xa. Họ cùng nhau thuê xe, cùng lên khám bệnh và cùng về, vừa tiết kiệm chi phí đi lại, vừa có thể chăm sóc lẫn nhau.

Việc bệnh nhân các tỉnh đồng loạt đổ về thành phố khám chữa bệnh khiến tình trạng bệnh viện quá tải thường xuyên xảy ra. Ông có giải pháp gì để đối phó với vấn đề này?

- Bệnh nhân luôn thích khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến trên vì có các y bác sĩ tay nghề cao cũng như trang thiết bị đầy đủ. Để giảm tải số lượng bệnh nhân cho tuyến trung ương, đồng thời tăng chất lượng cho tuyến cơ sở, chúng tôi đang thực hiện bàn giao các gói kỹ thuật, công nghệ theo từng chuyên môn tới tuyến cơ sở như bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, xã.

Chúng tôi cũng đang thực hiện chương trình bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh. Riêng Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã có 6 bệnh viện vệ tinh như Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Nội tiết Nam Định… Hàng năm, chúng tôi vẫn luôn cử các bác sĩ tốt nhất về các nơi để bàn giao các gói kỹ thuật, công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh.

Ông là cha đẻ của phương pháp mổ nội soi tuyến giáp, một phương pháp chưa có nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Ông có thể giới thiệu thêm về kỹ thuật y học này?

- Phương pháp mổ nội soi tuyến giáp được thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện Nội tiết trung ương vào năm 2003. Khi đó, trên thế giới đã có vài nơi thực hiện phương pháp này như Ý, Ấn Độ, Hàn Quốc nhưng theo một kỹ thuật khác. Kỹ thuật của Việt Nam được được đánh giá là đơn giản, nhanh, an toàn và rẻ. Bởi vậy tôi đã từng nhiều lần được các bệnh viện trên thế giới mời sang tận nơi để thị phạm và thuyết trình cho các y bác sĩ của họ.

Sau khi sáng tạo ra kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp, ông có đăng ký bản quyển để giữ phương pháp riêng cho y học Việt Nam?

- Ngành y không giống như kinh doanh hay các ngành nghề khác. Đó là ngành liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Cũng có người nói tôi nên đi đăng ký bản quyền phát minh sáng chế nhưng tôi nghĩ đó là điều không cần thiết và tôi đã không làm.

Ông đã đến những quốc gia nào để truyền dạy phương pháp mổ nội soi tuyến giáp của mình?

- Tới nay đã có khoảng 260 giáo sư, bác sĩ ở Úc, Bồ Đào Nha, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ…. sang Việt Nam để học phương pháp của tôi. Bản thân tôi cũng đã đi 27 trường đại học và bệnh viện các trường đại học tại nhiều quốc gia để truyền dạy và thuyết trình về kỹ thuật này.

Chính vì có nhiều bác sĩ từ nhiều quốc gia học theo phương pháp của Việt Nam, trong Hội nghị Y học quốc tế, các bác sĩ đã báo cáo kết quả mổ nội soi tuyến giáp theo kỹ thuật của Việt Nam chúng ta.

Nhiều bác sĩ nước ngoài cất công tới Việt Nam để học phương pháp mổ nội soi do ông sáng tạo ra, nhưng một số trường hợp bệnh nhân nước ta lại tìm sang nước ngoài để điều trị bệnh, ông có cảm thấy đây là một nghịch lý?

- Việt Nam chúng ta thường xuyên phải ra nước ngoài học tập vì trang thiết bị của họ tốt hơn, trình độ của họ cao hơn. Có lẽ bệnh nhân Việt Nam tin tưởng và chọn sang nước ngoài thực hiện phẫu thuật cũng vì lý do đó. Còn riêng về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp các nước lân cận như Thái Lan hay Singapore đều do tôi chuyển giao và truyền dạy.

Nền y học Việt Nam còn thua kém nhiều so với các nước khác. Vậy các giáo sư, bác sĩ nước ngoài phản ứng như thế nào mỗi khi ông thị phạm và thuyết trình về phương pháp mổ nội soi tuyến giáp do chính mình nghiên cứu ra?

- Họ nhận xét rất tích cực về phương pháp của tôi. Phương pháp này đơn giản vì chỉ cần dùng dụng cụ mổ nội soi ổ bụng cũng có thể thực hiện được an toàn vì không gây ảnh hưởng đến cận giáp và dây thần kinh nói, nhanh vì chúng tôi chọn lựa con đường mổ tiết kiệm thời gian hơn, hiệu quả. Và có thể sử dụng với mọi bệnh thuộc tuyến giáp ngay cả ung thư nếu chưa di căn và cuối cùng là rẻ hơn nhiều so với kỹ thuật các nước khác trên thế giới.

Chính bởi vậy, tôi vẫn được mời qua nước ngoài để dạy và các bác sĩ nước ngoài vẫn tiếp tục qua Việt Nam học phương pháp này. Mỗi khi báo cáo kết quả tại các Hội nghị quốc tế, họ đều nhắc đến kỹ thuật mổ Dr Lương.

Hôn nhân đẹp của giám đốc bệnh viện Trần Ngọc Lương

Kiên Trung - Sơn Hà - Xuân Quý - Huy Phúc - Đức Yên