Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ cho hay, chiến dịch tấn công mạng nói trên diễn ra vào cuối tháng 9, nhằm ngăn chặn khả năng phát tán "các hoạt động tuyên truyền" của Tehran. Một nguồn thạo tin nói, vụ tấn công này đã ảnh hưởng đến các thiết bị phần cứng của Iran, nhưng không cung cấp thêm các chi tiết.
Các chiến dịch an ninh mạng diễn ra tại Bộ Tư lệnh Truyền thông - Điện tử của quân đội Mỹ. Ảnh: Reuters |
Bất chấp việc nhóm vũ trang nổi dậy Houthi ở Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tập kích bằng máy bay không người lái vào hai cơ sở thuộc công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco của Ảrập Xêút ngày 14/9, cả Washington và Riyadh đều đổ lỗi cho Tehran về sự cố.
Về mặt công khai, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai thêm hàng ngàn binh sĩ và khí tài quân sự tới Ảrập Xêút để tăng cường khả năng phòng thủ cho Riyadh. Tuy nhiên, Lầu Năm góc từ chối bình luận về thông tin tấn công mạng Iran.
Chiến dịch tấn công mạng nếu xảy ra trong thực tế, có thể mất đến nhiều tháng để xác định mức độ ảnh hưởng. Song, các hoạt động kiểu này được coi là giải pháp ít gây hấn hơn so với đối đầu vũ trang.
Giới phân tích nhận định, sự cố cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng đối phó với những gì họ xem là "sự hiếu chiến của Iran" mà không khiến nó bị biến thành một cuộc xung đột quy mô rộng lớn hơn.
Vụ tấn công mạng mới nhất dường như hạn chế hơn các chiến dịch tương tự khác nhằm chống quốc gia Hồi giáo trong năm nay, sau vụ bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ hồi tháng 6 và các cuộc tập kích tàu chở nhiên liệu nước ngoài ở Vùng Vịnh hồi tháng 5, tình nghi do lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiến hành.
Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Vùng Vịnh. Tại một cuộc họp báo hôm 14/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái nhắc lại chính sách của Tehran đối với chính quyền ông Trump, bác bỏ khả năng đàm phán song phương nếu Washington không khôi phục thỏa thuận hạt nhân quốc tế cũng như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước này.
Tuấn Anh