Theo các chuyên gia, họ có thể sử các biện pháp gây nhiễu chủ yếu sau:

Gây nhiễu áp chế GPS

Máy thu GPS trong đầu dẫn của tên lửa có công suất khá thấp, khả năng chống nhiễu yếu. Trong khi, vệ tinh GPS cách mặt đất khoảng 20.000km, cường độ tín hiệu phát đi chỉ tương đương với ánh sáng phát ra từ bóng điện 25W ngoài phạm vi 16.000km, do đó rất dễ bị gây nhiễu. 

Hình minh họa một phương thức gây nhiễu tên lửa dẫn đường. Ảnh: Wikipedia

Gây nhiễu áp chế được tiến hành thông qua việc phát ra tín hiệu gây nhiễu có dải rộng, công suất và tần số nhất định, làm cho máy thu GPS không thể thu tín hiệu vệ tinh một cách bình thường, từ đó không thể thực hiện định vị dẫn đường cho tên lửa. 

Gây nhiễu đánh lừa

Biện pháp này được tiến hành thông qua việc phát tín hiệu GPS giả để gây nhiễu và đánh lừa máy thu tín hiệu vệ tinh của tên lửa, khiến máy thu không thể phân biệt được tín hiệu thu được là thật hay giả. Máy thu sẽ tiến hành giải phép toán định vị theo những tham số dẫn đường vệ tinh không chính xác, từ đó không thể định vị dẫn đường chính xác đối với tên lửa.

Biện pháp đánh lừa có ưu điểm là công suất gây nhiễu nhỏ, hiệu quả cao hơn kiểu áp chế. Tuy nhiên, muốn tiến hành gây nhiễu đánh lừa cần phải nắm chắc và hiểu rõ những thông tin về mã của vệ tinh GPS và tín hiệu đang được phát đi, đây là vấn đề hết sức khó.

Gây nhiễu điện từ

Là biện pháp chủ động sử dụng các thiết bị gây nhiễu điện từ để phát đi các loại sóng phản xạ/hấp thụ bức xạ của tên lửa, từ đó làm suy yếu hoặc phá hỏng tính năng của các thiết bị điện tử trên tên lửa. Gây nhiễu điện từ được tiến hành theo hai cách: 

Gây nhiễu áp chế, phát sóng điện từ hoặc thả các vật gây nhiễu khiến cho các thiết bị điện tử trên tên lửa bị che phủ hoặc chỉ thu được những tín hiệu không chính xác, từ đó sẽ không thể hoạt động bình thường được.

Gây nhiễu đánh lừa, chủ yếu để đối phó với hệ thống tìm kiếm của tên lửa, ngăn chặn hệ thống dẫn đường của tên lửa xác lập những thông tin chính xác về mục tiêu tiến công. 

Gây nhiễu laser 

Tên lửa được dẫn đường bằng laser có độ chính xác cao, khả năng chống nhiễu rất mạnh. Tuy nhiên, hệ thống quang điện lại rất yếu, khi ánh sáng với cường độ lớn chiếu rọi sẽ khiến cho linh kiện quá tải, mất linh hoạt, từ đó khiến cho toàn bộ hệ thống quang điện bị tê liệt. 

Gây nhiễu bằng laser được tiến hành theo hai cách:

Một là chiếu rọi laser trực tiếp, tức gây nhiễu hệ thống thu của tên lửa bằng cách trực tiếp chiếu chùm tia sáng cực mạnh vào bộ truyền cảm trong hệ thống, khiến cho tên lửa không xác định được phương hướng. 

Hai là gây nhiễu đánh lừa, sử dụng chùm laser tương đương với chùm laser mà hệ thống dẫn đường của tên lửa sử dụng chiếu vào một mục tiêu giả; hoặc dùng kính phản quang chuyên dụng để phản chiếu lại chùm laser của máy bay mang tên lửa, làm cho tên lửa bị lừa và đổi hướng tiến công vào mục tiêu giả. 

Gây nhiễu hồng ngoại

Để tiến hành gây nhiễu đối với loại tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, có thể sử dụng biện pháp gây nhiễu hồng ngoại có nguồn, cụ thể là sử dụng máy gây nhiễu hồng ngoại. 

Kỹ thuật gây nhiễu hồng ngoại đang được phát triển nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi trong việc bảo đảm an toàn cho các loại máy bay và xe chiến đấu. Hiện nay, trên máy bay của nhiều nước đã lắp đặt hệ thống bảo vệ hành trình trên cơ sở kỹ thuật đối kháng hồng ngoại.

Hệ thống này tiến hành đối kháng hồng ngoại định hướng và bắn đạn vạch đường hồng ngoại trên không trung để gây nhiễu đối với những tên lửa đang bay tới tiến công, khiến cho tên lửa chuyển hướng bay, không tìm được mục tiêu. 

Gây nhiễu không nguồn

Gây nhiễu không nguồn là lợi dụng tính phản xạ sóng điện từ của vật liệu gây nhiễu không nguồn hoặc khí cụ ngụy trang mục tiêu để làm giảm bớt phản xạ sóng điện từ hoặc tạo sự khác biệt về bức xạ của mục tiêu, từ đó thực hiện gây nhiễu đối với tên lửa tiến công. 

Biện pháp gây nhiễu không nguồn truyền thống là bắn giấy bạc, tạo thành các vi hạt trôi nổi hoặc tạo thành các đám mây điện ly kim loại... để hấp thụ sóng radar. 

Nguyên Phong