Xu hướng mới
Đại dịch đã khiến thương mại điện tử trở thành người bạn đồng hành thân thiết, kênh mua sắm thuận tiện và an toàn cho người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, khoảng hơn một năm trở lại đây, mua sắm online và thanh toán không tiền mặt đã trở thành thói quen hàng ngày.
“Mua sắm online ngày càng tiện lợi, có thể đi chợ tại nhà mọi lúc. Người dùng chỉ cần chọn và đặt hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau củ, quả. Sau khi thanh toán online, shipper sẽ giao hàng về tận nhà”, bà nói.
Là người tiếp cận nhiều dịch vụ trực tuyến, bà Ngọc còn nhiệt tình hướng dẫn hàng xóm cách đặt lịch khám online để không mất nhiều thời gian chờ đợi, không cần mang theo tiền mặt.
Chị Trần Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ đợt dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chị dần thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì phải đến tận nơi lựa chọn sản phẩm, thì giờ chỉ cần ngồi ở nhà, đặt hàng, thanh toán và nhận hàng. Chị còn đóng tiền học, tiền điện nước qua ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động.
Gần đây nhất, chị Hà làm thủ tục đổi hộ chiếu online thuận tiện và nhanh chóng, giảm thời gian phải xếp hàng chờ đợi. Hộ chiếu mới được bưu điện gửi về tận nhà. Với sự tiện lợi của các dịch vụ công trực tuyến, giờ các thủ tục hồ sơ giấy tờ ở phường, chị Hà đều sử dụng kênh online.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, sau đại dịch, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều, nhiều người dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến. Thị trường thương mại điện tử có những sự thay đổi lớn và phát triển rất nhanh.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến. Nhiều người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với mua sắm truyền thống.
Không chỉ ở thành thị, mà ở khu vực nông thôn, nhiều người dân cũng quen với tiếp cận kinh tế số. Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, Bưu điện Việt Nam đang tích cực triển khai kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”. Sàn thương mại điện tử Postmart của Bưu điện đang góp phần tích cực vào việc hình thành thói quen tiêu dùng mới của người Việt.
Tiêu dùng số
Để nâng cao kỹ năng số cho người tiêu dùng, đặc biệt là hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, tháng 10 năm nay được chọn làm Tháng tiêu dùng số. Đây là một trong những sáng kiến nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng kênh số, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, nhằm hưởng thụ lợi ích trực tiếp do chuyển đổi số mang lại.
Đồng thời thúc đẩy phát triển kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là phổ cập các kỹ năng số cơ bản như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trực tuyến.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt triển khai chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ.
Các ưu đãi, khuyến mại tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính. Trong đó, nhóm đã và đang dùng các sản phẩm, dịch vụ số sẽ nhận được những ưu đãi để gia tăng hơn nữa thời lượng sử dụng. Còn với người dùng mới, chương trình ưu đãi khuyến khích họ tham gia vào các kênh số, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số.
Ông Trần Vi Thoại, Giám đốc Công ty IB Legal Việt Nam đánh giá, những hoạt động của cơ quan chức năng như Tháng tiêu dùng số rất quan trọng, thúc đẩy chuyển dịch số. Việc sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp với các chương trình khuyến mại đã khuyến khích người dân trải nghiệm, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, người dùng cũng được đào tạo các kỹ năng an toàn trên không gian mạng để tự tin dịch chuyển lên môi trường số.
Tháng Tiêu dùng số là một trong những bước đi khởi động, giúp cộng đồng xã hội dần có những hiểu biết căn bản để tham gia tích cực hơn vào các hoạt động số hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số, tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030; Phát triển kinh tế số, xã hội số để mỗi người dân giàu có hơn, hạnh phúc hơn.
Trong báo cáo e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022-2025. Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục từ 120-200 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Bộ Thông tin truyền thông, năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ cập nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe. |
Thư Kỳ