Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức giám sát tiêu hủy gần 1.000 bộ kit test COVID-19 và nhiều hóa mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định phối hợp với Đội 1- Phòng an ninh kinh tế, Công an tỉnh Nam Định tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Hằng Hải tại: 132 Trần Huy Liệu, Phường Trường Thi, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định do ông Đinh Hữu Đạt làm chủ.

Các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số hàng hóa vi phạm

Các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số hàng hóa vi phạm

Kểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.000 bộ kit test COVID-19, 200 hộp hóa mỹ phẩm các loại gồm (mặt nạ, kem body, kem bôi gót chân, dầu nóng) đều có nhãn bằng tiếng nước ngoài, trên nhãn không có nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa; gần 3.000 lọ gồm (dầu gió, tinh dầu xịt thơm, tinh dầu muỗi) không có tem nhãn trên lọ, 70 hộp bảng phấn mắt và kem đánh răng Media có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, 150 kg thực phẩm đông lạnh gồm (cá trứng, xúc xích, hàu, sườn, chả nem và chả mực) tất cả số thực phẩm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định ban hành Quyết định xử phạt đối với Ông Đinh Hữu Đạt  hành vi vi phạm là kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng số tiền xử phạt là 41.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm (trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là: 65.508.000 đồng)

Toàn bộ tang vật vi phạm hành chính trên được tiêu hủy theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Quảng Bình: Tạm giữ sản phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam

Đội QLTT số 5 - Cục QLTT tỉnh Quảng Bình vừa bắt giữ xe ô tô tải vận chuyển số lượng lớn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm và đồ gia dụng các loại do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và áo quần, giày nữ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Số hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu

Số hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu

Trước đó,  trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng phương tiện là xe ô tô tải mang biển kiểm soát 76C-109.28 do ông Bùi Tấn Vĩnh có địa chỉ tại Thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi điều khiển.

Qua kiểm tra phương tiện vận tải, phát hiện số tang vật gồm: 920 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng các loại do nước ngoài sản xuất và 08 màn hình hiển thị của cân điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa.

Ngoài ra còn có 263 đơn vị sản phẩm áo quần, giày các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu TOMMY HILFIGER,  LACOSTE,  ZARA và Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam. Giá trị tang vật bị tạm giữ ước tính 150.000.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm nói trên đồng thời niêm phong tang vật để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Giang: Ngăn chặn xe vận chuyển sản phẩm giả mạo nhãn hiệu adidas

Đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh Hà Giang cũng đã tạm giữ một xe ô tô cất giấu 540 cái áo có gắn nhãn hiệu adidas. Qua kiểm tra, xác định toàn bộ số hàng hóa trên có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu adidas đã được bảo hộ tại Việt Nam. 

Tiêu hủy gần 1.000 bộ Kit test COVID-19, thực phẩm đông lạnh nhập lậu - Ảnh 3.

Ông Sin Văn Thức, sinh năm 1989, địa chỉ Tụ Nhân, Hoàng Su Phì, Hà Giang là lái xe kiêm áp tải hàng hóa không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật và phương tiện vi phạm hành chính để tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.

Theo Sức khỏe & Đời sống