TP.HCM đang áp dụng nghiêm khắc việc giãn cách để tăng cường các biện pháp phòng dịch. Người dân được khuyên mua hàng trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc. Trong bối cảnh đó, nhiều siêu thị đã tăng cường kênh bán hàng online, bán hàng qua điện thoại, bán qua ứng dụng,..

{keywords}
Gian hàng của một tiệm bán trên kênh online. (Ảnh: Hải Đăng)

Trên thực tế, nhóm tiểu thương, chủ cửa hàng nhỏ lẻ gặp khó khăn hơn trong quá trình tìm kiếm kênh bán hàng qua mạng. Do đó, một số nền tảng đã nhảy vào tạo kênh miễn phí cho tiểu thương bán hàng, đồng thời ghi nhận sự gia tăng đáng kể của nhóm này trong việc đưa hàng hoá lên Internet.

Chẳng hạn, sau khi triển khai kênh bán hàng cho các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, ZaloPay mới đây mở thêm kênh bán hàng cho các tiểu thương, người bán hàng nhỏ lẻ, chủ tiệm tạp hóa,… trên ứng dụng Zalo. Trên nền tảng này, khách đặt mua hàng có thể chat với tiểu thương, theo dõi đơn hàng. Trong khi đó, chủ gian hàng không phải chịu phí nền tảng hay chiết khấu.

Để mở gian hàng, tiểu thương vào ứng dụng Zalo, tìm tài khoản “Đi chợ mùa Covid”, chọn “quan tâm” tài khoản này, sau đó đăng ký mở gian hàng.

Người mua cũng làm tương tự, nhưng thay vì mở gian hàng thì chọn nút “đặt hàng”. Người mua có thể chọn thanh toán bằng ZaloPay trong ứng dụng chat, hoặc chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt.

Hiện tính năng này mới chỉ mở cho tiểu thương khu vực TP.HCM, có thể sẽ mở rộng ra toàn quốc trong thời gian tới.

Một trong những điểm đặc biệt khi mua hàng ở các tiệm tạp hoá, không riêng trên Zalo mà trên các nền tảng khác, là hàng hoá khá khác biệt, ít khi thấy ở các siêu thị đại trà.

Chẳng hạn, khi thử chọn một cửa hàng tên “Chú Quậy” ở Tân Phú, có khá nhiều đồ ăn lạ, như: bò ướt Tứ Xuyên, râu mực cay, miến Trùng Khánh, cổ vịt, sườn sụn cay giòn, xá xíu thịt cay,… Các món này đặc trưng của người Hoa.

Dù mới thử nghiệm nhưng trên nền tảng Zalo, trong bán kính 20km ở một phường của Tân Phú, có khoảng 20 gian hàng với nhiều món từ thực phẩm thiết yếu đến đồ ăn vặt, hàng tạp hoá,…

Bên cạnh ZaloPay, một nền tảng miễn phí khác dành cho tiểu thương là Chợ Tốt. Theo ghi nhận từ nền tảng này, kể từ đầu tháng 6, chuyên mục Đồ ăn - Thực phẩm có số lượng người đăng bán thực phẩm tăng mạnh.

Số lượng người bán tại TP.HCM tăng 30% so với tháng trước. Trong đó, có hơn 30% tin đăng bán các loại thịt bò, heo, gà. 38% tin đăng bán các loại hải sản và 32% tin đăng bán rau củ. Hầu hết người đăng bán là tiểu thương ở khu vực chợ bị đóng cửa, hoặc bị giảm lượng khách trong thời gian áp dụng các hình thức giãn cách xã hội.

Anh Nguyễn Công Duy, chủ một gian hàng trên Chợ Tốt, bắt đầu bán online sau khi chợ Gò Vấp nơi anh kinh doanh đóng cửa hồi đầu tháng 6. Anh chuyên bán rau củ đồng giá, sau đó đặt hàng xe ôm công nghệ vận chuyển cho khách. Có ngày cao điểm anh bán được hơn 1 tấn rau củ.

Trong 10 ngày kể từ khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chợ Tốt ghi nhận số lượng người đăng bán nhu yếu phẩm tăng đến 60%, số lượng liên hệ đặt hàng mỗi ngày trong chuyên mục cũng tăng gấp 4 lần so với 10 ngày trước đó.

Trong đó, ngày 14/7 khi tin giả về việc ngăn dịch vụ vận chuyển hàng lan truyền trên Internet, người dân đổ xô tìm cách tích trữ thực phẩm, số lượng liên hệ đặt hàng tin đăng mua rau củ, thịt và trứng trong ngày tăng đến 7,5 lần so với cùng thời điểm tháng trước.

Trong bối cảnh người dân tích cực mua hàng online để đề phòng bệnh dịch, các tiểu thương chợ truyền thống và người buôn bán nhỏ lẻ cần tận dụng thời cơ để buôn bán trên mạng. Ngay cả sau đại dịch, thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi, buộc những người kinh doanh nhỏ phải thích ứng.

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc Tăng trưởng & Chiến lược của Chợ Tốt cho biết, trong giai đoạn khó khăn, tiểu thương nên trải nghiệm các kênh bán hàng trực tuyến để bán hàng hiệu quả, giữ doanh thu. Sau dịch, bà con tiểu thương có thể kết hợp cả bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến để đa dạng kênh phân phối.

Hải Đăng

TP.HCM yêu cầu tăng cường hàng hoá thiết yếu trên kênh online

TP.HCM yêu cầu tăng cường hàng hoá thiết yếu trên kênh online

Sở Công Thương TP.HCM đề nghị doanh nghiệp ưu tiên hiển thị hàng hoá thiết yếu trên kênh online, đồng thời có chính sách giảm giá vận chuyển, giảm giá đơn hàng cho người dân.