Tiến sĩ Tạ Đăng Thuần, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên và Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Quốc Lập, Trường Đại học Thủy Lợi vừa phối hợp thực hiện báo cáo “Một số vấn đề về nguy cơ sự cố môi trường do thiên tai gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam”.
Báo cáo tập trung làm rõ một số nguy cơ sự cố môi trường chính khi xảy ra các loại thiên tai điển hình như: Lũ quét, sạt lở đất; Bão, áp thấp nhiệt đới; Lũ, ngập lụt; Hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời phân tích cụ thể các căn cứ pháp lý chủ yếu cho việc quản lý kiểm soát các sự cố môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hiện tại ở Việt Nam, đã có nhiều căn cứ pháp lý về hoạt động quản lý kiểm soát các nguy cơ sự cố môi trường. Có thể kể tới: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Chương X – Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường), quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 127); về phân cấp sự cố cũng như các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường (Điều 123); về chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường (Điều 124); về tổ chức ứng phó sự cố môi trường (Điều 125); về vấn đề phục hồi môi trường sau sự cố môi trường (Điều 126)…
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, tại Việt Nam, công tác phòng chống, ứng phó sự cố môi trường do thiên tai trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nhận thức và ý thức trách nhiệm về nguy cơ sự cố môi trường do thiên tai gây ra chưa đầy đủ. Bộ máy quản lý nhà nước còn bất cập. Hệ thống pháp luật, công cụ quản lý thiếu đồng bộ. Thiếu nguồn lực để phòng, chống thiên tai nói chung và phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường nói riêng.
“Những nguy cơ sự cố môi trường do thiên tai gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng tác động đến nhiều mặt đối với con người và môi trường. Tuy nhiên, khái niệm “sự cố môi trường do thiên tai gây ra đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” còn khá mới mẻ, thiếu các quy định cụ thể hướng dẫn việc phòng ngừa, ứng phó đối với loại hình sự cố này. Thể chế, chính sách cũng như nguồn lực để thực hiện việc phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường do thiên tai gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý các cấp cũng như cộng đồng dân cư về vấn đề này vẫn còn chưa đầy đủ”, Tiến sĩ Tạ Đăng Thuần và Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Quốc Lập nhận định.
Trong báo cáo của mình, Tiến sĩ Tạ Đăng Thuần và Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Quốc Lập đã đưa ra một số phương hướng cho việc quản lý kiểm soát các nguy cơ sự cố môi trường do thiên tai gây ra đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, cần hướng dẫn chi tiết việc thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do thiên tai gây trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong các chức năng của bộ máy phòng chống thiên tai các cấp, cần bổ sung chức năng phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do thiên tai gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm phát hành Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do các loại hình thiên tai gây ra theo cấp độ rủi ro thiên tai đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 3928 ngày 21/9/2023).
Các cấp, các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, phương án để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố môi trường do thiên tai gây ra; Tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố môi trường, đảm bảo thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó; Ứng phó sự cố môi trường thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố môi trường.