Cuối tuần qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm: "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" - cũng chính là tiêu đề cuốn sách của tác giả, TS. Đặng Hoàng Giang.

Được Nhã Nam tái bản 2 lần, cuốn sách đề cập tới những người trẻ trong độ tuổi khoảng trên dưới 20 và rất nhiều những trăn trở, kể ra rất nhiều chân dung của họ. Những người trẻ đang trong hành trình bước vào thế giới người lớn với rất nhiều câu hỏi: Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc?...

{keywords}
TS Đặng Hoàng Giang tại buổi toạ đàm.

Giới trẻ có nhu cầu chia sẻ rất khổng lồ

Khoảng cách của anh và các bạn trẻ trong cuốn sách về tuổi tác là rất lớn. Anh đã làm thế nào để họ có thể chia sẻ câu chuyện mà ngay cả những người thân nhất, họ cũng không muốn giãi bày?

- Đây cũng là một trong những thách thức nhất của dự án này. Thách thức đầu tiên của tôi là tìm được các bạn trẻ sẵn sàng ngồi xuống để chia sẻ về mình. Nhưng thách thức hơn là khi đã đồng ý ngồi họ có thể mở lòng và đi xuống sâu những tầng đáy xa xôi nhất tâm hồn các bạn ấy không?...

Có nhiều lúc tôi nghĩ tới việc từ bỏ dự án bởi vì không nghĩ rồi nó sẽ đi đến đâu. Có lúc ngồi hàng tiếng đồng hồ nhưng cũng chỉ xoay quanh bề mặt của chia sẻ. Nhưng rồi tôi nhận ra mình phải vô cùng kiên nhẫn. Cho các bạn ấy và cho cả chính mình thời gian để cùng nhau đi tới tầng sâu nhất của tâm hồn. Và thậm chí, hàng năm sau các bạn ấy mới tiết lộ lý do trốn chạy khỏi gia đình, 6 tháng sau mới đưa cho tôi blog riêng tư.

Cho nên tôi cũng không thấy làm lạ với việc người lớn đang đang dần thất bại trong việc kết nối với trẻ thơ. Khi gia đình và xã hội thiếu sự kiên nhẫn thì không thể kết nối được giới trẻ. Tôi nghĩ rằng nhu cầu được chia sẻ của các bạn trẻ là khổng lồ. Nhưng đáng lẽ ra những người được nghe câu chuyện chia sẻ đó phải là ba mẹ của chúng thì cuối cùng lại không.

Tôi cũng không thấy làm lạ với việc người lớn đang đang dần thất bại trong việc kết nối với trẻ thơ.

TS Đặng Hoàng Giang  

Tôi còn nhớ có 2 bạn nữ ở Sài Gòn trời nắng gắt tới gặp tôi, ngồi xuống chỉ sau 2 phút là nức nở và khóc xong thì đi về. Bởi, các bạn ấy không được khóc ở nhà. Tôi thấy thực sự đáng thương và thương cho bố mẹ các bạn ấy nữa.

Có thể tình yêu họ dành cho con cái rất lớn nhưng lại không tiếp cận được với con, không khiến chúng chia sẻ và không lắng nghe chúng. Cho nên, chỉ cần lắng nghe, không phán xét, không dạy dỗ,... thì đã giúp các bạn ấy vượt qua được nỗi cô đơn trong cuộc sống này.

Khi nghe những câu chuyện của các bạn trẻ, anh có bị sốc, bị buồn hay mang cảm giác tiêu cực suốt một thời gian dài hay không và nếu có làm như thế nào để vượt qua?

- Thú thật khi tôi ngồi nghe các bạn hoặc đến nhà hoặc tới nơi vui chơi, hút cần,... thì cả một thế giới đầy đau khổ và bầm dập lộ ra làm tôi thực sự sốc, hoang mang và buồn vì tôi không ý thức được mức độ rộng lớn và dữ dội của tổn thương đó. Tất nhiên nó ảnh hưởng tới tôi. Cách tôi xử lý là sẽ chia sẻ câu chuyện này trong gia đình để hiểu vì sao lại có những việc như vậy trong xã hội này. Tôi giữ khoảng cách nhất định để nhân vật không kéo mình hoà trong sự trầm uất của họ tất nhiên vẫn có sự đồng cảm, thấu hiểu.

Tôi lúc đó như người trị liệu tâm lý, lắng nghe sự thương cảm, giống như một bác sĩ vậy. Tôi coi đây là một công việc, luôn luôn suy nghĩ trong đầu sự kiện này với mình quan trọng như thế nào. Khi các bạn kể, tôi hướng tới việc kể gì, kéo các bạn lại với câu chuyện muốn khai thác. Tôi cũng đọc nhiều tài liệu về tâm lý nên biết rằng tuổi trẻ cần phải nổi loạn, cần khẳng định bản thân,... khi nhìn thấy được sự vận hành của thế giới mình bớt hoang mang hơn.

{keywords}
Buổi toạ đàm thu hút sự tham gia của các bạn trẻ rất đông so với dự kiến của BTC.

Với các câu chuyện của người trẻ, anh rút kinh nghiệm gì cho mình ở cương vị một người cha?

- Tôi thấy mình may vì đã đi vào dự án này, qua đó tôi thấy mình đã làm sai những gì. Tôi chắc chắn rằng trong quá khứ đã có những so sánh như thế nào đó khiến các con tổn thương nhưng lại coi đó là bình thường. Khi nghe các câu chuyện của bạn trẻ, tôi có sự phản chiếu và rút kinh nghiệm để mình không lặp lại lỗi lầm đó. 

Trong suốt 2 năm qua, tôi và vợ đã trao đổi rất nhiều. Tôi nghĩ là chúng tôi đã thay đổi nhiều trong cách nhìn nhận. Khi mình hiểu độ tuổi đó đang nghĩ gì thì bớt phán xét. Ví như tối qua, tôi hỏi con gái rằng bố có buổi ra mắt sách con có đi cùng không? Con gái từ chối nói rằng ở nhà chơi với Kem - là con chó cưng của gia đình.

Nếu như lúc trước, tôi có thể hành xử là bắt con đi vì chả lẽ sự kiện này không bằng con chó của con,... Nhưng khi hiểu, tôi thấy rất bình thường bởi đây là thời gian nó muốn tách ra khỏi bố mẹ, sự cá nhân hoá,... Tôi nhìn sự việc sáng sủa hơn.

Nếu như không được làm bản thân mình thì đó là bi kịch

Một phần trong cuốn sách anh đặt tựa nhỏ là thế giới vắng bóng người lớn - chúng ta nên hiểu thế nào về thế giới vắng bóng người lớn?

- Những nhân vật trong phần này tôi viết đều là những nhân vật sống trong gia đình thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ. Họ lủi thủi một mình, tự chăm sóc bản thân, tự lớn lên. Họ bị xao nhãng - đây là hiện tượng bị bạo lực tinh thần, ảnh hưởng của nó rất lớn.

Phương Anh - một nhân vật trong cuốn sách của tôi nếu không đi sâu vào bên trong tâm hồn có thể thấy đó là cô gái ngổ ngáo, nói tục, chửi bậy,... Phương Anh hoạt ngôn, giỏi giang, nhanh nhạy nhưng không biết tương lai của bạn ấy sẽ đi tới đâu. Bởi, càng ngày cuộc sống của bạn ấy càng phức tạp lên, sẽ phải đối mặt với nhiều môi trường phức tạp mà giống như bạn ấy nói: Nó như một cái cây, còi cọc không có chất dinh dưỡng mà không biết có chịu được bão táp hay không?...

Tôi còn nhớ, sinh nhật con gái tôi, bạn ấy đã mua một cái bánh nhỏ và mang tới tặng. Tôi biết rằng, bạn ấy thèm khát không khí ấm áp của gia đình như thế nào. Chắc hẳn bố mẹ bạn ấy đã rất thất vọng về cô con gái như thế và tôi chắc rằng khi tôi hỏi: Con gái của chị là người thế nào? Câu trả lời có lẽ: ''Nó là đứa mất dạy''.

Người lớn đã không chạm vào được phần kim cương của lũ trẻ, họ chỉ nhìn bề mặt bên ngoài. Vết mòn trong tương tác gia đình nhiều năm nay khiến những người trong gia đình hằn học và xa lạ với nhau. Có thể chính cha mẹ Phương Anh cũng đang rất đau khổ, đứng trước đống đổ nát là cuộc đời của họ nên không có khả năng chu cấp về mặt tinh thần cho con cái mình? Bi kịch là như vậy.

{keywords}
Tác giả Đặng Hoàng Giang ký tặng sách độc giả. 

Anh có thể nói rõ hơn cụm từ 'những đứa trẻ bị phụ huynh hoá' trong cuốn sách này?

- Các bạn trẻ trong nhóm 'những đứa trẻ bị phụ huynh hoá' gây cho tôi nhiều khó khăn nhất bởi trên bề mặt chúng ta cũng không biết họ đang ở đâu. Họ không bị đánh đập, không bị bố mẹ bắt phải học ngành này hình kia. Họ khá là tự do. Tuy nhiên họ lại gặp rất nhiều bất hạnh. Vậy lý do tại sao lại như thế?...

Khi đi sâu vào cuộc đời của các bạn ấy, tôi mới thấy được bi kịch trong trường hợp này đến từ một chữ rất nguy hiểm đó là chữ 'ngoan'.

Đứa con ngoan là đứa con làm những điều mà gia đình đang thiếu thốn và nghe lời bố mẹ. Chúng phải đọc vị những mong muốn, khao khát giấc mơ của bố mẹ và lấy việc thực hiện chúng là giấc mơ ý nghĩa sống của mình - đây là điều vô cùng độc hại và phá huỷ chúng nó không có cơ hội đi tìm bản thể của mình - điều này vô cùng quan trọng cho người trẻ tuổi. 

Đáng tiếc, ở Việt Nam, khao khát có đứa con ngoan đấy rất phổ biến. Bởi, bố mẹ đã sống trong chiến tranh, sống ở thời hậu chiến rất nghèo. Bản thân không được học hành, hôn nhân tan vỡ thành ra tất cả những ước mơ không được thực hiện dù có thức hay vô thức đều trao cho những đứa con thực hiện thay mình để được nở mày nở mặt. Đấy là những gánh nặng khủng khiếp đặt lên vai những đứa trẻ hết sức ưu tú như 2 chị em Ly và Huy trong cuốn sách của tôi.

Chỉ sau khi Ly suy sụp bởi cô bé không chịu được gánh nặng khổng lồ trên đôi vai 22 tuổi, cô rơi vào trầm cảm. Ly giỏi giang, kiếm tiền đi du học, nuôi em,... nhưng cuối cùng bị trầm cảm và quay về nước. Rất may, Ly đã tìm hiểu sách báo và sự chiêm nghiệm của mình ngộ ra rằng, trước nay mình như con trâu kéo cái xe chở đầy ước mơ hạnh phúc của mẹ. Rất nhiều gia đình đang là như thế và rất nhiều bà mẹ đang như vậy. 

Vấn đề 'phụ huynh hoá' được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể những người như Ly khi lớn lên nhu cầu tình cảm không được đáp ứng lại biến con của Ly thành những người đáp ứng cho mẹ,... trừ khi nhìn được vấn đề và dừng lại. 

Những nhân vật trong cuốn sách của anh nhiều tổn thương, vậy theo anh, làm thế nào để chữa lành?

- Ai cũng có mưu cầu hạnh phúc, tôi không phải là nhà tâm lý nên rất thận trọng khi đưa ra lời khuyên. Nhưng từ câu chuyện của mình, tôi hiểu rằng mình là người hiểu mình muốn gì nhất, đừng nghe nhiều xung quanh. Khi cảm thấy an lạc với cuộc sống của mình, những hành vi của bọn trẻ con vẫn như thế nhưng góc nhìn và cách giải quyết sẽ khác hẳn. 

Ai cũng có quyền được làm chính mình. Nếu như không được làm chính bản thân mình thì đó là bi kịch. 

Tình Lê

'1491': Cuốn sách mất 3 năm để xuất bản

'1491': Cuốn sách mất 3 năm để xuất bản

"Chúng tôi đã mất 3 năm để xuất bản 1491. Vì tìm dịch giả cũng hơi khó, đến lúc dịch xong thì việc biên tập cũng chẳng dễ dàng – đã có 2 biên tập viên của chúng tôi bỏ cuộc".