Anh Văn Nhật sống tại New York, Mỹ cùng gia đình có nhu cầu xin visa đi du lịch Châu Âu. Anh đăng bài trên một vài hội nhóm du lịch để kết nối với đơn vị nhận làm dịch vụ xin visa, và nhận được liên hệ từ một cá nhân. Người này giới thiệu mình và chồng chuyên làm dịch vụ visa, bán tour du lịch trọn gói.

Để thu hút khách và tạo niềm tin, ngay từ những lần trò chuyện đầu, người phụ nữ với tên Facebook Bích Nguyệt đã cam kết đảm bảo 100% sẽ xin được visa châu Âu. Facebook này cũng gửi cho anh Nhật rất nhiều hình ảnh tự nhận là những người khách của mình đã xin visa thành công.

Ngoài dịch vụ visa, anh Nhật còn được tài khoản Facebook Bích Nguyệt giới thiệu dịch vụ đặt mua vé máy bay, mua tour du lịch trước khi có visa để được giá rẻ hơn với cam kết sẽ trả lại hoàn toàn nếu không xin được visa.

Đoạn chat "đảm bảo 100% xin visa thành công và hoàn tiền nếu không thành công"

Với một tài khoản lạ chưa từng giao dịch, anh Nhật cũng khá thận trọng. Anh hỏi rất nhiều thông tin để xác thực độ tin cậy như thông tin công ty, địa chỉ, mã số thuế, tài khoản ngân hàng cũng như trang cá nhân.

Mỗi khi anh Nhật có thắc mắc, tài khoản Bích Nguyệt và tài khoản Zalo nhận là chồng Bích Nguyệt đều nhiệt tình giải đáp và cung cấp thông tin. Khi anh Nhật hỏi về việc tại sao khi tra mã số thuế lại ra một công ty trong lĩnh vực không liên quan, 2 tài khoản trả lời đó là công ty do anh trai của chồng đứng tên. Họ cũng khéo léo gửi những hình ảnh về các cuộc giao dịch thành công với nhiều khách. Cùng với chiêu bài luôn cam đoan, đảm bảo sẽ giúp khách nhận được visa, họ dần lấy được lòng tin của anh Nhật.

Khi anh Nhật đồng ý mua trọn gói cả dịch vụ làm visa lẫn mua vé máy bay, tài khoản Bích Nguyệt yêu cầu phải chuyển đủ mới tiến hành làm. Tuy nhiên anh Nhật chỉ đồng ý chi trả trước 100% phí làm visa, còn vé máy bay anh muốn để đến khi có visa mới mua. Sau khi chuyển khoản 4,8 triệu đồng cho tài khoản mang tên Nguyễn Trung Nghĩa, người này hẹn anh Nhật đến lãnh sự quán làm thủ tục.

Thế nhưng, cứ đến ngày hẹn cần giao những giấy tờ đã làm được hay đến ngày hứa giao visa, cả hai tài khoản trên đều kiếm nhiều lý do, đổ lỗi cho phía anh Nhật để yêu cầu gửi thêm tiền. Đến ngày đặt lịch hẹn lên lãnh sự quán, anh Nhật vẫn chưa nhận được thư mời để làm visa. Gọi điện, liên hệ với Nguyệt và Nghĩa đều không có phản hồi. Đến lúc này anh Nhật chắc chắn mình đã bị lừa.

Những tài khoản lừa đảo dùng nhiều lý do sau đó không phản hồi anh Nhật 

Tương tự như trường hợp của anh Nhật, chị Ngọc Diệp (Hà Nội) cũng nhận được lời chào mời làm dịch vụ xin visa đi Nhật. Visa đi Nhật khá khó xin, nên chị Diệp muốn thông qua các đơn vị làm dịch vụ. Tuy nhiên trong quá trình trao đổi với bên nhận làm visa, chị Diệp thấy khá nhiều điểm nghi vấn khi đối phương chỉ nhắn tin hoặc gọi audio, không dám lộ mặt. Trình tự làm khá mập mờ, không rõ ràng về các bước cũng như hồ sơ yêu cầu. Tài khoản facebook rất ít thông tin và tương tác. Khi chị đặt nhiều câu hỏi, đối phương không trả lời được liền chặn mọi liên hệ của chị Diệp.

Anh Sơn Hải, giám đốc điều hành một công ty du lịch lâu năm ở Hà Nội cho biết, hiện nay có rất nhiều bên nhận làm dịch vụ xin visa với những mức giá khác nhau. Tuy nhiên du khách cần rất thận trọng bởi những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. “ Mọi người thường hay bị thu hút bởi lời hứa hẹn 100% đậu visa, tuy nhiên sự thật là không có một đơn vị nào dám đảm bảo sẽ chắn chắn thành công bởi xin visa không phải là một việc dễ, có rất nhiều tình huống khó ngờ có thể xảy ra.” – Anh Hải chia sẻ.

Về phía anh Nhật, sau khi biết mình bị lừa, anh đã kiểm tra lại hàng loạt thông tin được cung cấp. Anh Nhật nhắn tin hỏi những tài khoản khách hàng khác mà bên lừa đảo cung cấp. Hóa ra tất cả tài khoản đó đều chưa từng làm dịch vụ visa và cũng không biết về công ty đó. Những thông tin về công ty, mã số thuế…đều là giả mạo.

Sau khi chặn liên lạc từ phía anh Nhật, các tài khoản lừa đảo này vẫn tiếp tục comment, giới thiệu dịch vụ trên các nhóm du lịch. Phía anh Nhật đã cung cấp thông tin về điện thoại và tài khoản ngân hàng cho công an với hi vọng có thể ngăn những kẻ này tiếp tục đi lừa nhiều người khác.

Không chỉ có một tài khoản, những nhóm lừa đảo thường sẽ có nhiều tài khoản khác nhau, liên tục đổi tên và đưa ra rất nhiều ưu đãi dịch vụ hấp dẫn. Vậy nên điều quan trọng nhất là du khách cần tỉnh táo, kiểm tra thật kỹ từng thông tin hoặc tìm đến những đơn vị đã có uy tín để tránh việc bị lừa, vừa mất tiền vừa lỡ dở chuyến đi du lịch.

Sau Đức, Tây Ban Nha, Séc dừng cấp visa hộ chiếu mẫu mới: Tour châu Âu quay cuồng 'bẻ lái'Nhiều công ty du lịch Việt Nam đang "đứng ngồi không yên", tìm để cách bảo vệ quyền lợi khách hàng khi Đức, Tây Ban Nha, Séc lần lượt thông báo tạm dừng cấp visa đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.