Nhóm cổ đông của ông Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục đổ tiền vào Công ty Chứng khoán VIX trong hành trình Gelex mua bán sáp nhập và mở rộng thành một tập đoàn lớn. Nhóm doanh nghiệp liên quan lãnh đạo hệ sinh thái Gelex chi nhiều tỷ phí môi giới chứng khoán cho VIX.

Theo tài liệu họp ĐHCĐ CTCP Chứng khoán VIX (VIX), Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Chứng khoán VIX trình ĐHCĐ thông qua việc nhóm cổ đông của ông Nguyễn Văn Tuấn nâng sở hữu lên 25% VIX mà không cần chào mua công khai.

Cụ thể, tờ trình ghi ngày 8/6/2022 đề nghị ĐHCĐ thông qua việc chấp thuận cho ông Nguyễn Văn Tuấn nhận chuyển nhượng 1 triệu cổ phần từ ông Phan Đức Lĩnh mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn và người liên quan sẽ nâng sở hữu từ 24,94% lên 25,12% vốn điều lệ VIX. Riêng cá nhân ông Tuấn sẽ nâng sở hữu từ 14,84% vốn lên 15,02%. Thời gian thực hiện dự kiến là sau cuộc họp ĐHCĐ năm nay.

Ông Nguyễn Văn Tuấn và nhóm cổ đông muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Chứng khoán VIX.

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn là em ruột bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIX. Ông Tuấn là CEO của Tập đoàn Gelex.

Trong tháng 3/2022, CEO Gelex đã chi gần 800 tỷ đồng mua hơn 52 triệu cổ phiếu VIX trong đợt phát hành chào bán cho cổ đông (giá 15.000 đồng/cp) và nâng sở hữu lên gần 15% vốn điều lệ.

Trong tháng 9-10/2021, ông Tuấn đã mua hơn 29 triệu cổ phiếu VIX (giá 10.000 đồng/cp, so với thị giá điều chỉnh khi đó khoảng 18.000 đồng/cp) trong đợt VIX phát hành gần 128 triệu cổ phiếu bán ưu đãi tỷ lệ 1:1 tăng vốn lên gấp đôi. Với giao dịch này, ông Tuấn trở thành cổ đông lớn của CTCK VIX với tỷ lệ 10,56% . Trước giao dịch này ông Tuấn không sở hữu cổ phiếu VIX nào. Trong đợt này, chị gái ông Tuấn và CTCP FTG Việt Nam (doanh nghiệp liên quan tới chị gái ông Tuấn chuyển nhượng tổng cộng hơn 29 triệu quyền mua VIX). 

Cổ phiếu VIX giảm từ đỉnh cao khoảng 27.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi cuối tháng 11/2021 xuống mức 12.500 đồng/cp như hiện tại.

Các doanh nghiệp liên quan tới VIX chi nhiều tiền cho môi giới chứng khoán.

Trong năm 2021, các bên liên quan tới VIX (các nhân sự lãnh đạo là thành viên gia đình hoặc cổ đông lớn) đã có giao dịch với VIX và mang về doanh thu cho VIX khoảng 200 tỷ đồng, trong đó có khoảng 6,5 tỷ đồng phí môi giới chứng khoán.

Các bên tham gia giao dịch với VIX gồm có: CTCP FTG Việt Nam (cổ đông lớn), CTCP Thiết bị điện (THI), CTCP Thiết bị điện Gelex, CTCP Hạ tầng Gelex, CTCP Tập đoàn Gelex, Công ty Dây đồng Việt Nam CFT.

Gần đây, cổ phiếu GEX giảm nhanh, từ mức 46.000 đồng/cp hồi đầu năm xuống mức 23.500 đồng/cp hiện tại. Ông Nguyễn Văn Tuấn cuối tháng 5 công bố hoàn tất mua 10 triệu cổ phiếu GEX, nâng sở hữu lên 202,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 23,8%).

Áp lực bán suy giảm, thị trường có xu hướng tích lũy

Theo BSC, trong những phiên tới, nếu khối lượng giao dịch vẫn còn khiêm tốn thì nhiều khả năng chỉ số vẫn sẽ tích lũy thêm ở vùng 1.300. Tuy nhiên, việc chỉ số đã vượt qua ngưỡng tâm lý này là báo hiệu tích cực chỉ số sẽ sớm trở lại vùng 1.350-1.360.

Theo VDSC, sau khi vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm với dòng tiền còn thận trọng, VN-Index cần thời gian để kiểm tra lại cung cầu. Diễn biến kiểm tra này diễn ra khá ổn định với biên độ hẹp trên mốc 1.300 điểm. Động thái rút chân từ gần 1.300 điểm đi kèm với thanh khoản thấp đang cho thấy áp lực bán tạm thời suy giảm và không đủ mạnh để gây sức ép lớn lên thị trường. Điều này đang củng cố cho khả năng hồi phục trở lại và tiếp tục quá trình thăm dò vùng cản gần 1.330 điểm.

Chốt phiên giao dịch chiều 9/6, chỉ số VN-Index giảm 0,11 điểm xuống 1.307,8 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tăng 1,81 điểm lên 312,74 điểm. Upcom-Index giảm 0,11 điểm xuống 94,89 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 15,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 12,7 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

V. Hà

Ông lớn Gelex quyết sớm, mua lại trước hạn lô trái phiếu 300 tỷ đồngCTCP Tập đoàn Gelex (GEX) của Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Nguyễn Văn Tuấn vừa công bố thông tin về việc đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng trong ngày 19/5 vừa qua.