Học viện Nghiên cứu và Phát triển DAMO (Viết tắt của Discovery, Adventure, Momentum và Outlook) của Alibaba đã cho ra mắt dịch vụ “kiểm chứng tin đồn thất thiệt”. Dịch vụ này ra đời nhằm giúp người dân Trung Quốc, đặc biệt là người lớn tuổi có thể xác minh thông tin mới.
Bằng cách tận dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, deep learning và mạng lưới thần kinh nhân tạo, công ty này tuyên bố tin đồn sẽ bị phát hiện với tỷ lệ chính xác lên tới 81%. Thuật toán và công nghệ đằng sau dịch vụ này dự kiến được áp dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm luật pháp, tài chính và giải trí.
Dịch vụ kiểm tra thông tin của Alibaba được cho là hiệu quả đến 81%. Ảnh: TechNode. |
Tin đồn thất thiệt ngày càng phổ biến trong thời đại Internet. Những tin đồn kỳ quặc trong quá khứ như rong biển làm bằng nhựa, hay súp đậu xanh là phương thuốc cổ truyền trị được các bệnh từ ung thư đến tiểu đường từng gây xôn xao đất nước này.
Với việc sử dụng smartphone ngày càng tăng, nhiều người cao niên ở Trung Quốc dần dễ dàng để truy cập Internet, song đây lại là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Theo một cuộc khảo sát người dùng Internet từ trung niên đến cao tuổi thực hiện bởi tờ People’s Daily, hơn 60% số người được phỏng vấn cho biết từng tin vào những tin đồn trên mạng xã hội.
Trước đó vào năm 2018, Trung Quốc ra mắt “Piyao”, hệ thống phân biệt tin đồn dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên AI này hoạt động dưới sự kiểm soát của 27 cơ quan chính phủ.