Giải pháp hữu hiệu cho những vụ việc phản cảm trên không nằm ở những trấn an tâm lý nhất thời, hay ở những khẩu hiệu mang nặng tính hình thức và tâm lý thành tích.

I-Có lẽ từ khi có cộng đồng, có xã hội loài người, con người có tiếng nói, là đã xuất hiện tin đồn. Tin đồn được sinh nở từ con người. Và nó luôn tồn tại, song hành cùng với các mô tip xã hội, cho dù cao thấp khác nhau về tầm văn minh, văn hóa, trở thành một thuộc tính của con người, thậm chí là một “quyền con người” mang tính bản năng. Từ xưa, đã có thành ngữ để nói về những loại tin đồn vô lý, vô căn cứ kiểu Chó cán xe.

Thế nên, ở góc độ “quyền con người” một cách bản năng, thì xã hội ta luôn phải sống chung với tin đồn. Nhất là thời Internet phát triển mạnh, mà người Việt lại vốn có tính quan tâm lẫn nhau không cần thiết. Chỉ cần ngồi trước màn hình, nhấp chuột, và thế là tin đồn được loang nhanh hơn cả … chính nó.

Tin đồn về cá nhân, những người đẹp chân dài, giới showbiz, giới đại gia chưa đủ. Có những tin đồn nhiều khi rất tào lao cũng có thể trở thành nỗi quan tâm, thậm chí nỗi lo của cả một cộng đồng.

Tin đồn trong cộng đồng chưa đủ, có khi tin đồn còn mang tầm nhân loại. Khiến cả thế giới nhao nhác lo lắng, phân tích, có trường hợp giới khoa học quốc tế phải thanh minh thanh nga rối rít. Như loại tin đồn ngày tận thế tháng 12/2012, tin đồn trái đất sẽ chìm trong bóng tối trong tháng 12/2014 do một cơn bão mặt trời.

Rút cục, tháng 1/2015 đã đến và nhân loại vẫn sống dưới ánh sáng mặt trời vào ban ngày, với bóng đêm vào ban đêm, cùng với… tin đồn, khi này bỗng “mất hút”.

{keywords}

Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe TƯ đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí chiều 7/1 tại Hà Nội thông tin về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Phạm Hải

Tuy nhiên, khi tin đồn ấy thuộc về những cá nhân quan chức cao cấp ở các quốc gia nói chung, nước Việt nói riêng, thì nó vô cùng dai dẳng và bị thổi lên rất nhanh. Vì sao? Vì họ vốn là những “yếu nhân”, và bao vây quanh họ bao giờ cũng có bức màn cơ chế tổ chức bảo vệ, càng kích thích tính hiếu kỳ con người.

Nước Việt cuối năm 2014, đầu năm 2015 này đang sống chung với những loại tin đồn “thổi”, về một vài quan chức cao cấp của nhà nước, nhưng đặc biệt trong đó, là tin đồn ông N.B.T bị bạo bệnh, thậm chí bị “đầu độc”. Cái tin dữ ấy đã khiến cả xã hội dường như nháo nhác cả lên- ăn tin đồn, ngủ tin đồn…

Những tin đồn ấy ngẫu nhiên xảy ra đúng lúc Luật Tiếp cận thông tin của người dân- một quyền cơ bản của con người, phản chiếu sinh hoạt dân chủ XH vừa mới được bàn thảo, còn nhiều trao đổi, tranh luận hai chiều chưa ngã ngũ.

Sinh- lão- bệnh- tử là quy luật đời người. Ai cũng vậy. Ở tuổi ngoài sáu mươi, thì một căn bệnh hiểm nghèo có thể không xảy ra ở người này, nhưng lại có thể ra ở người kia, tùy mệnh. Đó cũng là điều bình thường. Nhưng vì sao, ở trường hợp của ông, nó khiến xã hội nghiêng ngả, lo lắng, bình loạn, hoài nghi?

Đó là bởi nước Việt đang phải đối mặt với bạo bệnh tham nhũng mà ông là người quyết đoán, quả đoán, lại là một trong những quan chức cốt cán được phân công giữ trọng trách nhiệm vụ phòng, chống bạo bệnh này của đất nước. Mất niềm tin, nhiều người dân chỉ biết đặt hy vọng ở ông. Một người có trách nhiệm chống lại một bạo bệnh lại mắc một bạo bệnh khác, có gì buồn đau hơn thế cho sự hy vọng của người dân.

Trong khi căn bệnh tham nhũng thời nay, là căn bệnh của “lợi ích nhóm”. Thì sự ngã bệnh bất ngờ của ông-  không khỏi khiến người dân quan tâm, thương xót, xen lẫn tiếc nuối.

{keywords}

Dù chưa có lịch ông Bá Thanh về nước nhưng hàng trăm người dân Đà Nẵng ra sân bay đợi. Ảnh: Duy Tuấn

Sự suy diễn do “thói quen tin đồn”, thói quen sống với TTX vỉa hè, còn bị phân tâm chính là ở chỗ, giữa lúc đó, trong XH bỗng xuất hiện một trang web bí ẩn, trong khi báo chí chính thống không thỏa mãn nhu cầu thông tin của người dân. Và như một thói quen thường tình, người ta sẵn sàng tin ở…tin đồn, hơn là tin tức, tin ở sự rỉ tai hơn ở những bài báo chính thức.

Tất cả điều đó đã tạo nên một “nồi lẩu” thông tin bát nháo. Và người dân… xì xụp trong cái nồi lẩu ấy, không thể phân biệt được đâu là tin đồn, đâu là tin tức, đâu là tin sạch, đâu là tin bẩn. Cái tưởng là ngon nhiều khi là thứ đã nhiễm độc. Người nọ rỉ tai- thực chất là “nhiễm độc” cho người kia. ĐBQH Dương Trung Quốc đã phải có một nhận xét chí lý, không ít phần chê trách: Người dân cần thông tin “sạch” như cần không khí. Nhưng khi nhận ra cái sự cần ấy, thì cái sự “ngộ độc’ đã rất nhiều…

Đến thời điểm này, sự thật bệnh tình của ông- ngay các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng sẽ chỉ được biết thông qua những người thầy thuốc có trách nhiệm. Cho dù những thông tin của Ban Bảo vệ sức khỏe TƯ đã giải đáp và thông báo một cách rõ ràng (trong khả năng cho phép) bệnh án của ông. Sự may mắn có sẽ mỉm cười với ông không? Nhưng hình ảnh những người dân lao động ở Đà Nẵng không ai bảo ai, đến chực chờ sẵn để đón ông ở sân bay, đã là một câu trả lời trân quý của họ với ông, là niềm an ủi lớn cho người bệnh.

Và cho dù thông tin về căn bệnh của ông giờ tạm lắng xuống, nhưng những gì mà các nhà chức trách quản lý XH cần rút kinh nghiệm qua một vụ việc ồn ào và nhiễu loạn tin đồn, hẳn còn tiếp tục mở ra trong tương lai.. Khi mà niềm tin của người dân giờ đây, trước bạo bệnh tham nhũng sau 03 năm vẫn ổn định, đã mất mát nhiều.

Vấn đề là ứng xử, cách xử lý trước tin đồn đó như thế nào?

Không gì tốt hơn là sự công khai minh bạch và phản ứng kịp thời trước những tin đồn thổi. Người dân Việt luôn bao dung, đừng quên họ sẽ biết thấu hiểu, thông cảm với những cam go của chính quyền, sẵn sàng chia ngọt xẻ bùi và góp sức tìm kiếm giải pháp, chung vai với chính quyền.

Nếu không, trên xa lộ thông tin hiện đại, chiếc xe quản lý XH chở Luật Tiếp cận thông tin cứ tà tà đi, nhẩn nha so với tốc độ bắt buộc, lại cứ tự tin đi thế mới là… chuẩn. Rút cục thông tin đồn thổi thì phè phỡn, cười ha ha, thông tin chính xác thì … ốm o, khép nép đến tội nghiệp!

                                   ***************************

II- Trái ngược hẳn với những tin đồn ảo, nhiễu xạ tự nhiên… kinh, những ngày qua, có một khẩu hiệu ngang nhiên chăng giữa thanh thiên bạch nhật, ở những trục đường chính tại t/p Quy Nhơn (Bình Định) cũng lại khiến XH phát sốt, ồn ào, bởi nó giống hệt một phát ngôn ấn tượng: “Vượt đèn đỏ chỉ giành cho người ít học”.

Đúng là nhiễu xạ tự nhiên… bình!

Việt Nam vốn là đất nước của những khẩu hiệu, rất yêu khẩu hiệu, chỗ nào cũng có thể thấy khẩu hiệu, mà đến khẩu hiệu này thì đột nhiên ai cũng dị ứng. Cớ làm sao?

Ấy là vì cái tư duy “ít học” của chính khẩu hiệu này!

Việt Nam cũng là đất nước vốn trọng sự học. Đến mức khi tức giận, mắng nhau một cách có văn hóa, thì cái câu mắng miệt thị nặng nề chính là câu: Đồ ít học, đồ vô học. Mà nay cái câu được dùng để “mắng nhau” đó, lại được trưng to tướng giữa đường phố chính. Trong chốc lát, sẽ có không ít người học cao đến mấy cũng biến thành người ít học, nếu họ cứ vượt đèn đỏ!

{keywords}
Khẩu hiệu gây tranh cãi tại Bình Định. Ảnh: Doãn Công/ Dân Trí

Lý giải về khẩu hiệu độc đáo này, ông Nguyễn Văn Chiến Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định có lý sự của mình:  Chúng ta cần phải biết rằng 90% vụ tai nạn có nguyên nhân từ ý thức của người tham gia giao thông, khẩu hiệu này muốn tác động trực tiếp vào ý thức đó. Những câu khẩu hiệu như thường thấy thì đã không hiệu quả, không đủ tính giáo dục, dạng như người ta bị nhờn thuốc rồi. Phải có gì đó thay đổi, tác động trực tiếp, quyết liệt thì mới có hiệu quả. Phải tác động mạnh như thế, khi nhìn lên họ sẽ thấy rất tự ái, mới ý thức được cao.

Cũng phải công bằng mà nói rằng, tai nạn giao thông là một nỗi lo, nỗi đau ghê gớm với người Việt, và là một trách nhiệm lớn đè nặng lên vai các cơ quan chức năng về vấn đề này. Bạn đọc sẽ nghĩ gì khi đọc những con số vô hồn mà tàn nhẫn: Chỉ sau 04 ngày nghỉ tết dương lịch, cả nước có tới 209 vụ tai nạn giao thông, làm chết 104 người và bị thương 135 người (Tuần Việt Nam, ngày 07/01).

Không chỉ thế, cách tham gia giao thông của người Việt còn trở thành ấn tượng kỳ lạ với người nước ngoài.

Cách đây 04 năm, một ký giả người Đức đã viết một cách hài hước- phải gọi VN là đất nước “Vạn còi” khi so sánh với Lào là nước “Vạn tượng”. Nhưng đằng sau sự hài hước đó, là nỗi kinh sợ: Bạn cảm thấy mình rất chịu chơi ư? Bạn thấy chưa việc gì có thể thoả mãn tính thích hung hiểm, hay bạn thấy sức khoẻ của mình tốt như kim cương không gì tàn phá được? Vậy mời bạn tham gia giao thông tại Việt Nam, bạn sẽ được mở rộng tầm mắt….Tôi cho rằng, người Việt, ai cũng nghĩ mình phải có vài ba mạng sống, nếu không thì chẳng ai dại gì tham gia giao thông, bởi lúc nào cũng phải đem mạng mình ra cá cược (Tuần Việt Nam, ngày 12/09/2010)

Bốn năm sau, cách tham gia giao thông kỳ lạ của đất nước “Vạn còi” VN đã được tôn vinh lên thành… kỳ quan, dưới con mắt của nhà báo Mỹ Llewellyn King, từng nhiều lần đến VN. Bài viết của ông đăng trên Huffington Post mới đây- một cách viết hóm hỉnh, tế nhị, mà đọc xong, những người tự trọng thấy hổ thẹn vô cùng, cho sự tùy tiện và phóng túng trong cách đi lại của người Việt. Có gì đó rất bản năng, kém văn minh, văn hóa, nhưng lại trở thành điều bình thường:

Tôi hoàn toàn bị ấn tượng bởi giao thông – một trong những kỳ quan thế giới, theo tôi. Là kỳ quan không phải vì, giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, nó khủng khiếp, mà vì nó vận động theo một cách thật đáng kinh ngạc. ..

…Người và xe cứ trôi mà chẳng theo một hệ thống gì. Dòng xe lưu thông trên đường trông như một đàn kiến, lộn xộn một cách nhẫn nại. Họ đi len lỏi, luồn lách, phanh, bẻ lái, tăng tốc và giảm tốc – việc mà trong mắt người Mỹ thì giống như nhảy ballet không cần kịch bản cùng với hàng triệu người… Nếu bạn muốn sang đường, phải lấy hết cản đảm, hoà vào biển xe máy với niềm tin rằng các tay lái sẽ thấy và tránh bạn.

Chính vì thế, mà khẩu hiệu gây ấn tượng của Ban ATGT tỉnh Bình Định nhằm thức tỉnh sự “tự ái” của người tham gia giao thông, là sự cố gắng suy nghĩ. Có điều, tự ái quá hóa dễ… nổi giận. Bởi trước hết, tư duy các vị có sự nhầm lẫn tai hại, như Ths Hán Nôm Hoàng Ngọc Cương nhận xét: Vấn đề ở đây thuộc về  ý thức chứ không phải học thức.

Trong cuộc sống, có không ít người vì những hoàn cảnh kém may mắn đã không có điều kiện học hành. Sự ít được học hành của họ là một thiệt thòi, chứ không phải cái lỗi đáng kỳ thị, khinh thường. Túm tất cả những người ý thức kém vào một “rọ” với những người có số phận không may về học thức, khẩu hiệu đó vô tình thành miệt thị, gây tổn thương đồng loại.

Được biết, trước phản ứng của dư luận, khẩu hiệu “ít học” đó đã được gỡ bỏ.

{keywords}

Tắc nghẽn giao thông giờ tan tầm ở Hà Nội. Ảnh: MH

Nhưng cho dù ông Nguyễn Văn Chiến tự nhận, vì quyết liệt như vậy mà trong 04 ngày nghỉ Tết, tỉnh Bình Định chỉ có 01 vụ tai nạn, tử vong 01 người, so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 66,7%, số người bị thương do tai nạn giao thông, không có ai, giảm 100% so với năm trước, người viết bài này vẫn muốn đặt ngược lại câu hỏi: Vì sao ở nhiều nước, không có nhiều khẩu hiệu giao thông như bươm bướm, mà tai nạn giao thông không trở thành vấn nạn nhức nhối, người đi đường vẫn rất tôn trọng, kể cả khi không hề có cảnh sát. Chẳng cần đến các nước quá phát triển, ngay cả Thái Lan, ở Lào, cũng có thể chứng kiến hành vi văn hóa ấy ngay trên đường?

Và liệu có vị nào trong UBATGT Quốc gia tự tin khẳng định rằng, nhờ có các khẩu hiệu mà văn hóa tham gia giao thông tăng, tai nạn giao thông giảm? Hay đó chỉ là tâm lý và cách làm bề nổi theo phong trào, thói quen cố hữu lười nghĩ mà lại thích thành tích, cố tình không nhận thấy hiệu quả của cách làm này rất thấp?

Đã qua rồi cái thời xã hội làm bất cứ việc gì cũng triển khai theo phong trào, với những khẩu hiệu bề nổi mà chẳng thấm được bao nhiêu vào ý thức của người dân để họ ứng xử văn minh, văn hóa nơi công cộng, hoặc giữa cộng đồng. Thời hội nhập với thế giới hiện đại, việc hướng đạo người dân sống và làm việc theo Hiến pháp- pháp luật chắc chắn cần có những cách nghĩ khác, cách làm khác. Cách nghĩ khác, cách làm khác thế nào- đó là tầm tư duy của quản lý XH.

Từ việc không kiểm soát nổi những tin đồn ảo tràn lan trên mạng, đến một khẩu hiệu đường phố gây phản cảm, là hai vụ việc hoàn toàn khác nhau, có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng chắc chắn, nó đều là sản phẩm của quản lý XH luôn đi sau thực tiễn phát triển, chưa kịp với thời cuộc mới. Giải pháp hữu hiệu cho những vụ việc phản cảm trên không nằm ở những trấn an tâm lý nhất thời, hay ở những khẩu hiệu mang nặng tính hình thức và tâm lý thành tích, mà ở một thiết chế quản trị sớm muộn cần được đổi mới.

Nếu không trên hành trình hội nhập hiện đại, chính người Việt chúng ta, nước Việt chúng ta luôn bị coi là… ít học!

Kỳ Duyên