Kiêm đủ việc vì chưa F0
Đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, số nhân viên của Công ty cơ thiết kế máy công nghiệp T.D (Hoàng Mai, Hà Nội) xin nghỉ làm việc ở nhà liên tục tăng do mắc Covid-19. Công ty chỉ có mỗi giám đốc và hai nhân viên đi làm. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, số nhân viên mắc Covid-19 liên tục tăng, thậm chí một ngày test nhanh có tới 5 nhân viên phải về nhà ngay lập tức vì dương tính.
Thời gian đầu, những nhân viên khác trong phòng đều vào diện F1 và được công ty bố trí cho làm việc tại nhà. Nhưng hiện nay, số lượng nhân viên F0 lớn, có phòng 5 người cả phòng đều đang diện F0, chính vì thế những nhân viên F1 vẫn phải tới công ty để làm việc và trực văn phòng.
“Mặc dù các nhân viên diện F0 đều làm việc tại nhà nhưng vẫn ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công việc”, ông Nguyễn Văn Khải, phụ trách nhân sự, cho hay.
Nhiều công ty vắng vẻ vì nhân viên F0 (Ảnh: D.Anh) |
Theo ông Khải, các đối tác đang đẩy mạnh sản xuất nên họ liên tục thúc giục tiến độ. Việc nhân viên không thể đi làm thời điểm này gây khó khăn trong việc bố trí nhân sự làm việc với các đối tác và trực tiếp xuống các nhà máy. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nhiều khả năng các đơn hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Chị Chu Thị Thuý (Công ty xây dựng Hà Đông) cho hay, số lượng nhân viên mắc Covid-19 của công ty hiện hơn 20 người, chưa kể số F0 khỏi bệnh đi làm lại. Riêng phòng chị, duy nhất còn lại chị chưa nhiễm Covid-19 nhưng cũng đang diện F1.
“Ngày nào cũng thấy người báo xin nghỉ, hoặc làm việc tại nhà vì nhiễm Covid-19. Mình thấy hoang mang nhưng đang cố gắng gượng được ngày nào hay ngày đó”, chị Thuý nói.
Do nhân viên các phòng ban nghỉ nhiều, chị Thuý phải kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ, công việc khác nhau, trong đó chủ yếu liên quan tới giấy tờ, sổ sách, con dấu, văn thư,... Dưới công trường, các công nhân cũng đã từ quê quay trở lại làm việc sau Tết nhưng số lượng nghỉ vì F0 cũng đang tăng. “Thời điểm ra Tết, công việc chưa nhiều nên chưa ảnh hưởng tới tiến độ thi công công trình. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì không có người đi làm”, chị Thuý lo lắng.
Ảnh hưởng tới sản xuất
Ông Nguyễn Văn Đức (Trưởng phòng kinh doanh Công ty thương mại Nam Tiến, Hà Đông, Hà Nội) chính thức trở thành F0 sau một thời gian gắng gượng làm việc tại công ty. Ông Đức cho hay, hơn 2 tuần nay, từ giám đốc tới các nhân viên trong công ty đều mắc Covid-19.
Ông Đức là người bị muộn nhất nên đảm nhiệm nhiều phần việc tại công ty từ lên đơn hàng, xuất kho, giao cho các đơn vị vận chuyển để gửi các tỉnh. Do đặc thù công việc là ngành hàng thiết bị xăng dầu nên không thể làm việc online tại nhà, số nhân viên nghỉ nhiều nên ông Đức bận từ sáng tới tối.
“Ngày nào mình cũng phải xuất số lượng hàng lớn đi tỉnh, giục các đơn vị phân phối lấy số lượng lớn tránh việc công ty nghỉ hết do Covid-19”, ông Đức kể.
Nhiều xưởng sản xuất thiếu nhân viên (Ảnh:D.Anh) |
Mới đây, ông cũng chính thức là F0. Rất may, một số nhân viên đã khỏi bệnh đi làm trở lại nên hoạt động công ty chưa bị gián đoạn. Mặc dù vậy, các ca F0 tăng mạnh đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hoá. "Mình gọi đơn vị vận chuyển họ cũng từ chối vì không có người, trong khi xe khách đi tỉnh cũng giảm chuyến, muốn bán hàng cho khách giờ cũng khó", anh Đức cho biết thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Cường, đại diện công ty in Hà Thành, cho hay, cả xưởng hơn 20 người thì nay chỉ có khoảng 6 người đi làm việc, trong đó có cả giám đốc. Số nhân viên lần lượt vào diện F0 ngày càng tăng, một số hôm cao điểm có tới 3-4 người xin nghỉ. Do đặc thù công việc làm tại nhà máy nên những nhân viên nghỉ việc không thể làm từ xa.
“Công việc thì nhiều mà công nhân nghỉ quá nửa giờ chẳng biết xoay sở ra sao. Bản thân giám đốc cũng phải xuống nhà máy để làm việc cho kịp đơn hàng giao”, anh Cường tâm sự.
Trước tình trạng thiếu hụt lao động mang tính tạm thời này, doanh nghiệp buộc phải xây dựng phương án, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp. Những nhân viên khỏi bệnh sẽ bố trí đi làm ngay và tăng ca. Bên cạnh đó, công ty cũng bố trí khu vực làm việc riêng cho nhóm nhân viên chưa nhiễm Covid-19 và hỗ trợ thêm tiền ăn và làm thêm giờ.
Nhiều ngành nghề đang cần số lượng lớn lao động (Ảnh:D.Anh) |
Chị Phạm Thị Nhạn (Xã Đô Động, Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, xưởng may chị đang làm việc có tới 13 người bị F0 trong tổng số 20 công nhân. Chị cũng đang diện F0 phải nghỉ ở nhà. Từ hơn một tuần nay, số lượng công nhân trong xưởng mắc Covid-19 liên tục tăng. Đặc thù may mặc chỉ một người nghỉ, cả dây chuyền bị ảnh hưởng. Do đó, nhiều người phải kiêm nhiệm, dẫn tới giảm năng suất, không sản xuất hàng nhiều.
“Công ty đang cần nhiều lao động phổ thông nhưng để tuyển thêm cũng gặp khó khăn”, chị Nhạn cho hay.
Nhằm đảm bảo tiến độ công việc, xưởng đang giao khoán một số công đoạn may cho các nhân viên mang về nhà làm. Công ty cũng đang liên tục tuyển dụng, nhân viên giới thiệu bạn bè vào làm được thưởng và người lao động chỉ cần học việc một tháng đã có thể làm nhân viên chính thức.
Theo khảo sát, nhiều ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng nhân viên lớn như giao hàng, công nhân tại các khu công nghiệp,... Nhiều vị trí tuyển dụng đều có mức lương cao và đi làm ngay sau khi học việc. Tuy nhiên, để tuyển được thêm nhân viên trong hoàn cảnh hiện nay đều rất khó. Có công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 500 lao động nhưng chưa tuyển được.
“Số ca F0 tăng, người lao động thay đổi công việc liên tục dẫn tới việc tuyển dụng gặp khó khăn. Việc chờ người rất lớn”, anh Lưu Quang Pháp, phụ trách tuyển dụng lao động một tại nhà máy ở KCN Thăng Long, chia sẻ.
Duy Anh
Vừa nổi 2 vạch, F0 mất ngay 3 triệu, chưa một đồng tiền ăn, tiền thuốc
Cả nhà mới có mình là F0, dù chi tiết kiệm nhất nhưng chị Hoa đã tốn ngót nghét 3-4 triệu đồng. Chị lo lắng nếu tất cả thành viên trong nhà nhiễm Covid-19, số tiền nhân lên và sẽ tốn hàng chục triệu.