Doanh thu ngành xuất bản Việt Nam giảm nhẹ sau một năm dịch bệnh
Tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2021 diễn ra 17/3 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu: "Ngành xuất bản hoạt động trầm lắng nhưng kết quả rất đáng kể. Chúng ta sẽ phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng ta đừng xem đây là khó khăn mà là cơ hội. Với bối cảnh hiện tại, việc sắp xếp lại hệ thống NXB là cơ hội để chúng ta nhìn nhận và đánh giá lại chính mình".
Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết tính hết năm 2020, các chỉ số về sản lượng và doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm. Tuy nhiên, mức giảm rất thấp như tổng số xuất bản phẩm giảm 2,4%; tổng doanh thu ngành giảm 4%... so với lĩnh vực truyền thông và dịch vụ văn hóa khác trong nước cũng như bối cảnh ngành xuất bản trên thế giới điêu đứng, suy thoái vì dịch bệnh. "Chúng ta có thể tự hào vì đã vượt qua khó khăn, thử thách bước đầu với những thành tích nhất định", ông nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. |
Ông Nguyên đánh giá cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm năm 2020, hoàn thành nhiệm vụ chính trị qua các sự kiện lớn như: Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ; Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng; 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh;... Xuất bản phẩm góp phần cung cấp kiến thức phòng, chống dịch bệnh, đề cao tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau trong tháng ngày chống dịch Covid-19.
Nhiều cuốn sách có giá trị được in với số lượng ấn tượng như: Muôn kiếp nhân sinh với 210.000 bản; Con chim xanh biếc với 130.000 bản; Đắc nhân tâm với 70.000 bản;...
Bên cạnh thành quả, ngành xuất bản còn vướng mắc một số hạn chế. Một số NXB quản lý chưa chặt chẽ kéo theo sai phạm về nội dung như: nhận định không phù hợp liên quan đến chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; nhận định sai về kháng chiến giải phóng dân tộc hoặc hình ảnh người bộ đội, đặc biệt là gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ là "nội chiến"; đề cập vấn đề nhạy cảm, phức tạp một cách phiến diện; sai sót trong sách công cụ như từ điển tiếng Việt;...
Ông Nguyên đề nghị nhìn thẳng vào thực trạng một số NXB còn thiếu hụt cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và nhân lực BTV. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện xuất bản điện tử, chuyển đổi số còn chậm, chưa bứt phá.
Về phát hành xuất bản phẩm, ông Nguyên đánh giá cao công tác triển lãm, tổ chức hội chợ sách trong và ngoài nước. Trong thời gian dịch bệnh, các triển lãm, hội chợ sách tổ chức trực tuyến ứng dụng công nghệ hiện đại vẫn thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng.
Dĩ nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến lĩnh vực này tổn hại khá nặng nề. Một số cơ sở phát hành xuất bản phẩm phải thu hẹp quy mô kinh doanh, đóng cửa, người lao động phải nghỉ việc; tiền thuê nhà và thuế sử dụng đất trở thành áp lực lớn; việc giao thương quốc tế bị gián đoạn;...
Ông Chu Văn Hòa - nguyên Cục trưởng Cục xuất bản, được trao huân chương lao động hạng Nhì. |
Chú trọng xuất bản điện tử, bồi dưỡng nhân lực
Đại diện NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Sở TT&TT TP.HCM, NXB TT&TT, Công ty TNHH First News - Trí Việt, NXB Phụ nữ,... trình bày các tham luận của mình trong các chủ đề: Triển khai thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực xuất bản; Một năm nhìn lại công tác xuất bản; Nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng; Xu thế xuất bản số hiện tại;...
Về xuất bản điện tử, đại diện NXB TT&TT phát biểu: "Thị trường Việt Nam có tiềm năng với gần 70 triệu người sử dụng Internet trong 97 triệu dân. Dân số Việt Nam đông, trẻ và khả năng thích ứng công nghệ cao. Quan trọng hơn, chính sách của Chính phủ đang hướng đến mỗi người dẫn một chiếc điện thoại thông minh. Chúng ta có đủ điều kiện để phát triển xuất bản điện tử, đó là xu thế chung. Theo chúng tôi, thách thức lớn nhất để phát triển xuất bản điện tử là vấn đề kinh phí và nhân lực".
Đại diện Công ty TNHH văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt chia sẻ công ty không chạy theo những loại sách xu hướng nhất thời như truyện ngôn tình mà chọn những đầu sách có giá trị về tư duy và cuộc sống. Vị này nói: "Chúng tôi đi ngược quan điểm "Chỉ bán những gì người ta cần". Chúng tôi sử dụng doanh thu sách bán chạy bù vào sách nghiên cứu để có một tủ sách đầy đủ nhất. Thời gian làm cuốn Gạc Ma - Vòng tròn bất tử đủ làm 100 cuốn sách khác nhưng chúng tôi vẫn làm vì tự thấy có trách nhiệm với các chiến sĩ đã ngã xuống".
Theo người đại diện First News, các công ty sách nên có sự cộng lực với các doanh nghiệp lớn ngoài ngành để xuất bản những cuốn sách có giá trị đến người dân thay vì chỉ để các NXB tự làm. Người này kêu gọi tất cả công ty sách và NXB chung tay đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt chống vi phạm bản quyền. "Đây là vấn nạn cần chiến đấu kiên trì dài lâu trong khi một số NXB còn buông lơi việc này", ông nói.
Về giải pháp cho vấn đề nhân lực, đặc biệt là đội ngũ BTV - lực lượng quan trọng của NXB, đại diện NXB Phụ nữ nói: "Chúng tôi tạo điều kiện để các BTV tham gia các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, để BTV kỳ cựu kèm cặp, dẫn dắt các BTV mới vào nghề. Đặc biệt, BTV được đào tạo theo hướng đảm bảo kỹ năng biên tập, thông thạo sử dụng truyền thông xã hội, thành thục ngoại ngữ, khai thác tài trợ, phát triển đội ngũ CTV trong và ngoài nước".
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, đề xuất: "Để ngành xuất bản phát triển lành mạnh và đúng hướng, Hội trân trọng đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản và quảng bá xuất bản phẩm nhằm hiện thực hóa hỗ trợ của Nhà nước với ngành xuất bản".
Ông Lê Mạnh Hùng, phó Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu: "Sự tác động âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy trách nhiệm của chúng ta đã tạo ra phong trào đọc sách tốt hơn rất nhiều so với những năm trước. Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục hướng đến mục đích để ngày càng có nhiều người đọc sách trong năm 2021.
Theo đó, đề nghị các cơ quan chủ quản tạo điều kiện tốt hơn về kinh phí, con người và cơ sở vật chất để các NXB thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, không thả nổi để các NXB tự bươn chải. Yêu cầu của thị trường hiện tại làm sao đưa sách đến tay người dân mà vẫn đảm bảo nuôi sống anh em trong ngành
Bên cạnh đó, các NXB cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh khâu giới thiệu sách, không chỉ trong nước mà cả giới thiệu sách Việt ra hội chợ sách các quốc gia khác. Và điều quan trọng hết sức thận trọng trước những sai phạm về nội dung".
Bài và ảnh: Gia Bảo
410 triệu bản sách được xuất bản trong năm 2020
Toàn ngành xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách, doanh thu ước tính 2.700 tỷ đồng (bằng 97% so với năm 2019).