Chứng khoán Mỹ tiếp tục diễn biến tích cực và tăng mạnh trong phiên cuối tuần với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 420 điểm (+1,3%), chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng hơn 1,7%, còn chỉ số công nghệ tăng gần 2,1%.

Như vậy, cả 3 chỉ số chứng khoán của Mỹ tăng tuần thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh nỗi lo về lạm phát giảm xuống sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 hạ nhiệt xuống mức 8,5%, so với đỉnh cao 41 năm ở mức 9,1% ghi nhận trong tháng 6.

Giới đầu tư kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn quá cứng rắn với các chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhằm để giúp nền kinh tế số 1 thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế.

Gần đây, kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu rơi vào suy thoái. Tăng trưởng GDP đã âm 2 quý liên tiếp. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 7 bất ngờ giảm. Giá nhập khẩu cũng giảm mạnh hơn so với dự báo.

Nghiên cứu của CNBC cho rằng, nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái cho dù GDP đã giảm cả 2 quý gần đây. Theo đó, thị trường lao động Mỹ trong 6 tháng đầu năm có diễn biến khác lạ, khá tích cực, trái ngược với các giai đoạn kinh tế suy yếu trước đây. Số lượng việc làm mới tiếp tục tăng với tốc độ mạnh mẽ.

Theo đó, trong những lần kinh tế suy giảm như 6 tháng vừa qua, số lượng việc làm của Mỹ thường giảm, trong khi đó nửa đầu năm nay số việc làm tăng trung bình 1%. Một số quan chức của Fed cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái. Một biểu hiện khác là số chi tiêu tiêu dùng cá nhân vẫn tiếp tục tăng lên trong 2 quý vừa qua.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ hồi phục mạnh.

Diễn biến tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ tuần này nối dài đợt hồi phục từ đáy ghi nhận từ giữa tháng 6. Tính đến nay, chỉ số tầm rộng S&P 500 đã tăng gần 17%, bù đắp tới một nửa số điểm đã mất sau cú tụt giảm trong các tháng trước đó. Dow Jones cũng đã hồi phục 13%, trong khi Nasdaq Composite đã tăng gần 23% từ đáy.

Các thông tin tích cực củng cố niềm tin của nhiều nhà đầu tư cho rằng đà tăng đợt vừa qua không phải là một đợt phục hồi của một thị trường giá xuống.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, rủi ro giảm tốc của Mỹ là rất lớn nhưng nền kinh tế số 1 thế giới có thể né được suy thoái trong gang tấc. Bên cạnh đó, kế hoạch kéo lãi suất lên ngưỡng 3,5-4% của Fed sẽ giúp hỗ trợ sớm kéo giảm lạm phát về ngưỡng mục tiêu.

Nhà đầu tư Việt Nam thận trọng

Cho dù chứng khoán thế giới, trong đó có Mỹ tăng khá mạnh trong 4 tuần qua và đặc biệt vài phiên gần đây nhưng diễn biến trên thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn khá buồn tẻ, chỉ số VN-Index tăng giảm nhẹ, thanh khoản cao thấp thất thường.

Nhìn chung, thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn đang hồi phục trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp. Tuy nhiên, thanh khoản giảm giảm khá mạnh, từ ngưỡng tỷ USD về quanh vùng 15-17 nghìn tỷ đồng/phiên.

Theo BSC, bất chấp thông tin tích cực về đà hạ nhiệt của lạm phát Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có phiên giao dịch giảm điểm. Thị trường đang có những phiên giao dịch biên độ hẹp khi lực bán và lực mua đang giằng co. 

Dù vậy, thanh khoản có tín hiệu gia tăng trong những phiên gần đây cho thấy động của các nhà đầu tư đang trở nên tích cực. VN-Index đang chờ đợi thêm một số thông tin thuận lợi về tăng trưởng tín dụng hoặc Nghị định 153 (trái phiếu doanh nghiệp) để tạo đà bứt phá về vùng 1.280-1.300 điểm.

Chờ một cú bứt phá.

Trên chương trình Bí mật đồng tiền hôm 10/8, các chuyên gia cho rằng  chưa đủ cơ sở kết luận thị trường đã tạo đáy hay chưa cho dù VN-Index và thị trường đã có những nhịp hồi phục mạnh sau khi giảm xuống mốc 1.150 điểm vào hồi tháng 6. 

Theo ông Lã Giang Trung, CEO của Passion Investment, giá cổ phiếu trên thị trường thời gian qua chưa phải rất rẻ, trong khi đó tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa quá bi quan vì khi có sóng hồi, họ vẫn tích cực tham gia mua bán.

Trong khi đó, Dragon Capital duy trì triển vọng tích cực lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2022, dự báo top 80 doanh nghiệp thuộc danh mục quỹ này sẽ có lợi nhuận tăng trưởng ở mức 20,7% trong năm 2022.

Cổ phiếu Việt Nam hồi phục thận trọng hơn.

Trên thực tế, thanh khoản vẫn ở mức thấp trong cả tháng qua cho thấy dòng tiền eo hẹp, sự thận trọng còn cao hoặc/và dòng tiền đang tìm kiếm lợi nhuận ở các kênh đầu tư khác.

Trên thế giới, rủi ro còn nhiều. Trên FT, chủ tịch Fed San Francisco cho rằng, vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát vì lạm phát lõi (trừ năng lượng và thực phảm) vẫn tăng mạnh.

Theo đó, lãi suất có thể được nâng lên 3,5% vào cuối năm nay và tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Giá dầu thô vẫn tăng hơn 3% trong tuần qua cho dù đã giảm trong phiên cuối tuần.

Tại Việt Nam, triển vọng thị trường chứng khoán 2023 không sáng sủa. SSI Research không kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng cao trong năm tới của kinh tế thế giới. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, nhất là xuất khẩu, qua đó tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu.

M. Hà

Cổ phiếu chứng khoán bứt phá, VN-Index bùng nổ đầu tháng mớiThị trường chứng khoán khởi đầu rất tích cực trong phiên đầu tháng mới với hàng loạt cổ phiếu đồng loạt tăng giá và thanh khoản lên mức khá cao sau nhiều tuần trầm lắng. Nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt.