- “Cậu ấy là một đứa con hiếu thảo và là một người cha tốt của hai đứa con gái, lúc ấy vẫn còn chưa trưởng thành. Cha Đô bị liệt, sáng nào Đô cũng cõng cha từ tầng 3 xuống tầng 1, dìu cha tập đi rồi lại cõng cha lên. Xong xuôi rồi mới đi chích...”.

Có thể, ít người hiểu được nội dung của những câu văn ấy. Và, họ sẽ càng bất ngờ hơn khi biết, đó là những dòng viết về một tử tù – kẻ đã bị loại bỏ khỏi xã hội vì những hành vi, tội ác của mình.

Nhưng, điều mà ai cũng cảm nhận được, đó là tình cảm ấm nồng của người viết dành cho họ - “Những cuộc trò chuyện cuối trong khu giam tử hình” của nữ nhà báo Đặng Huyền – cây bút kỳ cựu của Báo Công an nhân dân.

{keywords}

“Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình” của nhà báo Đặng Huyền

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết trong lời giới thiệu cuốn sách: Sự nghiệp viết báo của Đặng Huyền là con đường của nhận thức và khám phá đời sống xã hội. Hay nói chính xác hơn đó là con đường khám phá thế giới nội tâm của con người.

Nhà báo Dương Tú (Báo Đại Đoàn kết) chia sẻ: “Nhà báo Đặng Huyền là một trong những đồng nghiệp mà tôi cảm phục không chỉ vì chuyện chữ nghĩa. Hơn cả là cái Tâm của một người trong nghiệp chữ”.

Đó cũng là cảm xúc của anh khi nói về cuốn sách vừa ra mắt của Đặng Huyền.

“Những cuộc trò chuyện cuối trong khu giam tử hình” là cuốn sách riêng thứ ba của nhà báo Đặng Huyền. Cuốn sách tập hợp những bài báo của chị với tên gọi “Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình”. Đây không chỉ là một tập hợp bài báo. Nó gần như là một “tuyên ngôn”, một thứ triết lý của nhà báo Đặng Huyền về công việc viết báo.

Mỗi bài hoặc chùm bài viết, tác giả Đặng Huyền đều có những lời giới thiệu về quá trình tác nghiệp. Kiểu như cách để xin được chữ ký của người đứng đầu lực lượng Công an TP Hà Nội để được vào buồng giam tử tù. Về một ngày sinh nhật trọn vẹn trong khu lao tử hình. Nhưng hơn cả là những suy nghĩ, những tâm tư có khi không lên mặt báo.

Viết về một tử tù, Đặng Huyền ghi: “Cậu ấy là một đứa con hiếu thảo và là một người cha tốt của hai đứa con gái, lúc ấy vẫn còn chưa trưởng thành. Cha Đô bị liệt, sáng nào Đô cũng cõng cha từ tầng 3 xuống tầng 1, dìu cha tập đi rồi lại cõng cha lên. Xong xuôi rồi mới đi chích. Hai đứa con gái Đô, mẹ bỏ đi từ lúc còn tấm bé, Đô vừa làm cha lại vừa làm mẹ, chăm sóc con kỹ càng”.

Phải thấu hiểu bằng con tim của người phụ nữ, chị mới viết được những dòng chữ ấm áp, công bằng cho tử tù Đô như vậy.

Và phải sâu sát, thân tình lắm, Đặng Huyền mới có thể “moi” được thông tin: “Khi Đô bị bắt cũng là lúc chỉ còn hai hôm nữa là khai giảng, một điều tra viên ở số 7 Thiền Quang đã cho bé lớn 500 nghìn đồng để thêm vào mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới”.

Đôi khi trái tim của một phụ nữ lại đồng cảm với nữ tử tù ném đứa con gái của chồng xuống sông: “Vẫn biết rằng kẻ gieo gió thì phải gặt bão nhưng lúc này đây, khi đối diện với những giọt nước mắt, tôi vẫn thấy xót xa”.

Trong lời giới thiệu ấy, có những chuyện không phải độc giả nào cũng biết. Đó là chuyện sau khi Đặng Huyền viết về “sát thủ si tình” Nguyễn Duy Quang, ông bố của Quang đã viết thư cho chị. Lá thư cảm ơn dù ông không nhớ đến nữ phóng viên đã gặp ông trong phiên tòa.

Ông cảm ơn bài báo đã lý giải giúp ông tại sao con trai mà ông hằng kỳ vọng lại sa ngã, trở thành tên tội phạm… Lá thư đó nhà báo Đặng Huyền không trả lời, bởi chị hiểu “với nỗi đau ấy, mọi lời an ủi đều trở nên thừa thãi”.

{keywords}
Lễ ra mắt cuốn sách tại Hà Nội chiều 22/1/2016

Còn nhiều điều để viết, không chỉ về cuốn sách này, không chỉ về những bài báo của nhà báo Đặng Huyền, mà về “tính nhân văn trong báo chí” như đề tài nghiên cứu sau đại học của nhà báo Đặng Huyền.

Một đồng nghiệp của Đặng Huyền, người đọc bản bông cuối cùng trước khi đưa bài báo lên khuôn để đi in, đã nhiều lần không cầm được nước mắt khi đọc những dòng cuối cùng của bài viết:

"Rất nhiều nước mắt đã rơi trong cuộc trò chuyện này. Cửa buồng giam tử tù ở ngay phía sau lưng nơi Đô ngồi trò chuyện cùng tôi. Đô trở về phía đó và bảo rằng, ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với những tử tù như Đô rất gần, chỉ là một buổi sáng thôi khi lệnh thi hành án được bắt đầu. Vì thế mà bây giờ, sám hối đã là quá muộn nhưng rất cần để được ra đi thanh thản".

Nhà báo Đặng Huyền – người đã trò chuyện với họ trong khu giam cách biệt, cũng là người mang đến chút tình cuối cho những tử tù, trước khi họ bước sang lằn ranh phía bên kia của cuộc sống.

Thái Bình