Điện Biên là tỉnh Miền núi biên giới, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp CHND Lào.

Điện Biên có mật độ dân số thưa: 57 người/ km2. Toàn tỉnh có 21 dân tộc anh em, trong đó người Thái chiếm 42%, người Mông 27%, người Kinh 19%. Dân số sống ở vùng nông thôn chiếm 83%.

W-dienbien-1.png
Điện Biên có mật độ dân số thưa: 57 người/ km2. Toàn tỉnh có 21 dân tộc anh em.

Số xã thuộc chương trình 135 là 59 xã (chiếm 63% tổng số xã). Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới lên tới 40%, cao nhất là huyện vùng cao Mường Nhé 76,6%, huyện Tuần Giáo 58,1%.

Quyết tâm vượt khó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phương hướng phát triển là lấy nông, lâm nghiệp là nền tảng, xây dựng là động lực và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để phát triển. Trong đó, tỉnh xác định “Phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, ngành; khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên…”.

Địa phương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Tỉnh phát triển du lịch tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Điện Biên có lợi thế về du lịch lịch sử, tâm linh như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Đền thờ Liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; đền thờ Hoàng Công Chất… và các Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao…

Địa phương có 19 dân tộc anh em với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Đua thuyền đuôi Én, các lễ hội, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Lào, Hà Nhì… Đây chính là tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa sẽ được tỉnh quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới.

Với thế mạnh về tài nguyên du lịch sinh thái, Điện Biên đang xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên như: Nghiên cứu hệ sinh thái hồ Pá Khoang, khám phá Đảo hoa Anh đào, rừng di tích lịch sử Mường Phăng, đèo Pha Đin huyền thoại, chinh phục A Pa Chải - điểm Cực Tây của Việt Nam - Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa; các điểm nước khoáng nóng, tinh khiết với trữ lượng lớn như Pe Luông, Uva… phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe của du khách...

Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón hơn 1,45 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động này đạt hơn 2.380 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh; đồng thời, xây dựng khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng tiêu chí của khu du lịch cấp quốc gia… Đến năm 2030, địa phương phấn đấu đón hơn 2,65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 600 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động này đạt hơn 5.000 tỷ đồng; đóng góp trên 10% GRDP bình quân của tỉnh.

Bích Thủy và nhóm PV, BTV