Chị Lương Tử Thanh Phượng (trú tại Dĩ An, Bình Dương) cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, chị tham gia một tuần làm tình nguyện viên chăm sóc động vật hoang dã tại Trạm cứu hộ động vật, thuộc rừng quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. 

Vốn là người yêu động vật, thích gần gũi với thiên nhiên, qua mạng xã hội, chị Phượng kết nối với nhóm tình nguyện cứu hộ động vật hoang dã. Từ đó, chị Phượng ấp ủ các chuyến đi tình nguyện bảo vệ động vật hoang dã của mình. Đây là một trải nghiệm "gây nghiện" cho người tham gia.

"Tình nguyện viên không phải là đi du lịch, bạn có vô số việc phải làm nhưng chắc chắn sẽ mang lại những cảm xúc khó tả. Tôi chứng kiến cảnh thả Trăn hoa về rừng. Nhìn nỗ lực của mọi người vì môi trường tự nhiên, tôi thực sự xúc động và hiểu về giá trị của môi trường sống như thế nào" -  chị Phượng chia sẻ.

Hiện, chị đã tham gia vào chương trình tình nguyện viên tại Vườn quốc gia Cát Tiên và vườn quốc gia Bù Gia Mập. Mỗi chuyến đi cần 1 tuần lễ. Chị Phượng phải thu xếp được công việc mới có thể tham gia.

tinh nguyen vien.png
Các tình nguyện viên dọn cỏ vườn thức ăn cho động vật. 

Khi đến Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập, chị Phượng và những tình nguyện viên khác đều sinh hoạt tại HeroHouse - ngôi nhà sàn bằng gỗ  để làm không gian sinh hoạt cho các tình nguyện viên.

Hằng ngày, các tình nguyện viên chia công việc. Công việc chính của Phượng là chăm sóc cây cối, chuẩn bị thức ăn, dọn chuồng và cho thú ăn. Các công việc này chủ yếu được thực hiện tại khu vực chăm sóc cứu hộ động vật hoang dã phía sau trạm cứu hộ.

Các động vật đang được cứu hộ tại đây chủ yếu là nạn nhân của lâm tặc hoặc được đón về từ các nơi nuôi nhốt trái phép. Khi tiếp nhận, động vật được chăm sóc đến khi hồi phục và chữa lành vết thương thể xác và tinh thần sẽ được trao trả về rừng.

Bản thân chị Phượng từng rơi nước mắt khi chứng kiến những “bạn” (động vật hoang dã) bị săn bắn dẫn tới bị thương. Người dân mang đến giao nộp cho trạm cứu hộ. Mọi người cùng nhau chăm sóc. Có những con bị cụt chân, thương tích đầy mình. Mỗi lần các loại động vật như tê tê, mèo rừng, cầy mực được cứu hộ thành công, các tình nguyện viên đều vô cùng hạnh phúc, như những người bạn thân của mình được thả tự do.

Mỗi loài vật đều sinh ra và sống ở môi trường của nó. Vì vậy, khi động vật được thả về rừng cũng là giây phút hạnh phúc của các tình nguyện viên.

Qua mỗi chuyến tình nguyện cứu hộ động vật hoang dã, chị Phượng lại ấp ủ một kế hoạch nhỏ cho mình. Chị trở thành những sứ giả truyền thông, chia sẻ với bạn bè về bảo tồn động vật hoang dã.

Trong quá trình giải cứu, nhiều con vật bị thương hoặc đã mất khả năng sinh sống ngoài tự nhiên buộc phải nuôi vĩnh viễn nên quy mô chuồng thú cần mở rộng. Thời gian sắp tới, chị Phượng dự định vận động bạn bè, đồng nghiệp, người thân tham gia ủng hộ để có thêm kinh phí xây chuồng trại cho những động vật được tiếp nhận sinh sống. 

Với mong muốn lan tỏa tinh thần bảo vệ động vật hoang dã, chị Phượng hy vọng sẽ được tham gia nhiều chương trình ý nghĩa hơn. Lưu ý cho các bạn trẻ muốn tham gia tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã, không giống như hoạt động bảo tồn rùa biển chỉ diễn ra vào thời gian rùa đẻ trứng, cứu hộ động vật hoang dã là hoạt động thường nhật. Các hoạt động khác đều phải được sự đồng ý và hướng dẫn của cán bộ tại Vườn Quốc gia. 

Mai Hương và nhóm PV, BTV