Tại phiên sơ thẩm ngày 25/3, Tòa đã bác nhiều yêu cầu của ông Nguyễn Thanh trong vụ kiện. Số tiền đòi bồi thường ban đầu của ông Thanh chỉ còn 12.800.000 đồng thay vì con số 400 tỷ ông đưa ra trong đơn kiện.
Cảnh trong phim 'Biệt động Sài Gòn'
Sau nhiều lần trì hoãn, sáng 25/3, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm vụ kiện tranh chấp quyền tác giả và đòi tiền nhuận bút kịch bản giữa nhà báo Nguyễn Thanh và đạo diễn, biên kịch Lê Phương, Hãng phim truyện Việt Nam xung quanh kịch bản phim Biệt động Sài Gòn.
Tại phiên tòa, ngoài ông Nguyễn Thanh có mặt, còn lại các bên đều ủy quyền cho người đại diện tham gia.
Phía bị đơn là đạo diễn, biên kịch Lê Phương ủy quyền cho vợ là bà Trịnh Thị Thanh Nhã; Đại diện Hãng phim truyện Việt Nam là bà Đào Hồng Thắm; Đại diện Cục bản quyền tác giả là bà Nguyễn Thị Hồng Nga và ông Quản Hồng Anh.
Cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Thanh tại phiên tòa
Tại phiên xét xử, ông Nguyễn Thanh yêu cầu, phía bị đơn (ông Lê Phương và Hãng phim truyện Việt Nam) phải thừa nhận kịch bản phim Biệt động Sài Gòn là của riêng ông.
Cùng với đó, ông Nguyễn Thanh còn kiện Báo Sài Gòn Giải phóng đã đăng tải kịch bản phim của ông trên báo với độ dài 63 kỳ mà không ghi tên ông cũng như không trả nhuận bút cho tác giả (chỉ trả cho ông Lê Phương số tiền 2.500 đồng); kiện NXB Hội VHNT Long An và NXB Thanh Hóa lấy kịch bản của ông in thành sách với tiêu đề “Những thiên thần ra trận” mà không xin phép, trả tiền nhuận bút.
Tổng cộng số tiền cho vụ kiện này được ông Nguyễn Thanh quy đổi từ tiền thời điểm năm 1984 sang vàng. Sau đó lấy số vàng thời điểm năm 1984 nhân với mệnh giá hiện nay. Tất cả là 400 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ phiên xét xử sơ thẩm lần đầu tại TAND Hà Nội năm 2009 (vụ án sau đó bị hủy để xét xử lại từ đầu), số tiền đòi bồi thường của ông Nguyễn Thanh tăng lên khá nhiều. Trước đó, ông đưa ra con số là 74 tỷ 108 triệu đồng.
Cũng như 6 năm trước, Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định chỉ giao nhiệm vụ viết kịch bản cho ông Lê Phương để sản xuất bộ phim “Biệt động Sài Gòn” và không có hợp đồng gì liên quan đến nhà báo Nguyễn Thanh.Khi bộ phim được trình chiếu, Hãng phim truyện Việt Nam đã thanh toán đầy đủ nhuận bút cho ông Lê Phương và có đề tên tác giả cả hai người nên không vi phạm bản quyền cũng như không chịu trách nhiệm về mặt tài chính với ông Nguyễn Thanh.
Về số tiền trả nhuận bút cho ông Thanh như thế đã đúng với quy định hiện hành hay chưa, đại diện Hãng phim truyện VN cho biết, do sự việc diễn ra quá lâu nên Hãng cũng không lưu giữ các văn bản, giấy tờ liên quan đến vụ việc để cung cấp cho HĐXX tại phiên toà.
Đại diện ủy quyền của ông Lê Phương- bà Trịnh Thị Thanh Nhã cũng khẳng định: Năm 1983, tôi về Hãng phim truyện Việt Nam và được biết, kế hoạch ban đầu của hãng là sản xuất bộ phim mang tên “Những thiên thần ra trận”, nhằm tri ân những chiến sĩ biệt động thành. Phim ban đầu cũng dự kiến là chỉ 2 tập.
Viết kịch bản được giao cho ông Lê Phương. Do thời điểm đó, ông Lê Phương còn viết nhiều kịch bản khác nên không có thời gian.
Qua một người bạn giới thiệu, ông Lê Phương đã đặt hàng ông Nguyễn Thanh viết. Vì thời gian gấp nên viết đến đâu, ông Phương đến lấy tới đó.
Tổng cộng là 3 lần, mỗi lần ông Phương đưa cho ông Thanh 4.000 đồng. Tuy nhiên, ông Thanh không gọi đây là tiền nhuận bút, bởi “khi đến lấy kịch bản, ông Phương nói với tôi, “đây là tiền bồi dưỡng viết gấp”- ông Thanh lý giải.
Như vậy, số tiền ông Phương đưa cho ông Thanh sau 3 lần là 12.000 đồng, bằng 1/3 tổng số tiền mà ông Lê Phương được nhận từ Hãng, do ông Thanh chỉ đóng góp 1/3.
Nhà báo Nguyễn Thanh (trái) và đạo diễn Lê Phương (phải) tại phiên tòa 6 năm trước (ảnh tư liệu)
Lý giải vì sao cả hai người đều đóng góp cho kịch bản phim, nhưng ông Phương lại được nhận 2 phần, còn ông Thanh- người chắp bút ban đầu lại chỉ được 1 phần.
Bà Trịnh Thanh Nhã nói: "Sau khi lấy 2 tập kịch bản phim từ ông Thanh, ông Phương với tư cách là biên kịch của Hãng phim truyện VN đã phải chỉnh sửa lại rất nhiều để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh.
Tên phim cũng được sửa thành “Biệt động Sài Gòn”.
Sau khi công chiếu, vì bộ phim quá ăn khách nên Hãng tiếp tục làm thêm 2 tập nữa.
Lúc này, ông Lê Phương là người thực hiện chính chứ không qua ông Nguyễn Thanh. Nhưng trong credit của phim, ông Phương vẫn đề nghị ghi tên cả hai người.
Tuy nhiên, sau nhiều năm xem lại phim, ông Thanh phát hiện ra rằng, cả tập 3 và tập 4 đều sử dụng những chi tiết trong kịch bản ban đầu của ông nên đã làm đơn khởi kiện".
Chiều cùng ngày, Hội đồng Xét xử tuyên: "Do vụ việc diễn ra quá lâu nên NXB Hội VHNT Long An và NXB Thanh Hóa đều không lưu giữ được chứng từ nên không có căn cứ để xem xét.
Hãng Phim truyện Việt Nam không có trách nhiệm bồi thường cho ông Thanh vì đã trả nhuận bút và thực hiện ghi tên tác giả đầy đủ vào bộ phim; báo Sài Gòn giải phóng sau đó cũng đã ghi tên tác giả, trả tiền nhuận bút nhưng ông Lê Phương chưa thanh toán với ông Thanh thì nay phải hoàn trả.
Số tiền nhuận bút được quy đổi sang giá gạo, đúng theo quy định lúc bấy giờ. Điều này cũng có nghĩa, Tòa bác yêu cầu quy đổi sang giá vàng của ông Thanh để trở thành số tiền khổng lồ lên đến 400 tỷ đồng".
Hãng phim truyện Việt Nam ghi nhận công lao đóng góp cho thành công của bộ phim. Cùng với đó là gửi tặng ông Nguyễn Thanh số tiền 5 triệu đồng
Hãng phim truyện Việt Nam ghi nhận công lao đóng góp cho thành công của bộ phim. Cùng với đó, Hãng phim đã gửi tặng ông Nguyễn Thanh số tiền 5 triệu đồng
Như vậy, số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh được Tòa xác định là 12.800 đồng. quy sang gạo là 800 kg, nhân với mệnh giá bây giờ, số tiền bồi thường là 12.800.000.
Năm 2009, số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh có tăng lên đôi chút. Lúc đó là 9.072.000 đồng.
Với Hãng phim truyện Việt Nam, dù Tòa bác yêu cầu của ông Nguyễn Thanh, nhưng xét thấy công lao của ông Thanh với vài trò là người viết kịch bản, có đóng góp không nhỏ vào thành công của bộ phim Biệt động Sài nên Hãng này đã quyết định tặng ông Thanh số tiền 5 triệu đồng ngay tại Tòa.
Hỏi về kết quả phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Thanh cho biết, ông sẽ tiếp tục kháng án vì cho rằng, số tiền đó là quá nhỏ.
Theo Gia đình