Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV cho biết, trong năm đầu thành lập, sản lượng than toàn ngành mới chỉ ở mức 7 triệu tấn thì đến nay, bình quân hàng năm TKV khai thác từ 40 - 45 triệu tấn, tăng gấp 7 lần. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, TKV đã khai thác được 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn. Để đạt được sản lượng này, TKV đã thực hiện đào 5,2 ngàn km đường lò, gấp 3 lần chiều dài đất nước Việt Nam, bình quân đào 206 km/năm và bóc xúc 3,4 tỷ m3 đất đá, bình quân 128 triệu m3/năm. Tổng doanh thu than từ 1,3 ngàn tỷ đồng năm 1994 tăng lên 62,26 nghìn tỷ đồng năm 2018, gấp 47,6 lần so với thời điểm Than Việt Nam ra đời; Năng suất lao động tính theo than nguyên khai năm 2018 đạt 572 tấn/người-năm, tăng 3,45 lần so với năm 1995.

Không chỉ tập trung khai thác, tăng sản lượng, TKV đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Với các mỏ hầm lò, TKV tăng cường sử dụng công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than cùng các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350 và - 500 mét. Tổng sản lượng than khai thác bằng cơ giới hoá toàn Tập đoàn từ năm 2002 đến hết 2017 đạt 12,75 triệu tấn.

{keywords}
 Bà  Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước chụp ảnh cùng lãnh đạo tập đoàn.

Với các mỏ lộ thiên, Tập đoàn đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn, khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải tại Mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành và cải thiện bờ mỏ. Cùng với đó, Tập đoàn đẩy mạnh hiện đại hóa khâu sàng tuyển, dịch vụ cung ứng than...

Trước xu thế phát triển của công nghệ tin học, TKV đã chủ động ứng dụng tự động hoá, tin học hoá vào quá trình SXKD và công tác quản lý điều hành. Từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị đều đã quan tâm đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung.

Hiện tại, TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác điều hành sản xuất như: Phần mềm hoá đơn điện tử; phần mềm “Quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khoẻ cho người lao động mỏ hầm lò”, Vòng nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các công ty than khai thác lộ thiên, “Hệ thống giám sát lưu chuyển than”…

{keywords}
 

Đặc biệt, với việc thực hiện thành công hai dự án thí điểm khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, TKV đã đặt nền móng cho nền công nghiệp mới của Việt Nam, đó là ngành công nghiệp chế biến alumin - nhôm. Năm 2018, TKV sản xuất và tiêu thụ 1,3 triệu tấn alumina, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 520 triệu USD; đã đóng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế Vùng Tây Nguyên. Các dự án bauxite đã bước vào giai đoạn có lãi.

Đặc biệt, giai đoạn 5 năm gần đây (2015 - 2019), khối Khoáng sản, Điện lực, Hoá chất của Tập đoàn đã tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Cụ thể, doanh thu của Khối đã đạt xấp xỉ 30% tổng doanh thu của Tập đoàn với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,6%/năm; lợi nhuận chiếm tỷ trọng 34,4% toàn Tập đoàn.

{keywords}
 

“Từ một tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than, TKV đã trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Than, Khoáng sản, Điện lực và Vật liệu nổ công nghiệp, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ” - ông Lê Minh Chuẩn khẳng định.

Trên nền của ngành công nghiệp than, TKV đã phát triển thành công các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện; vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực khác liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Hiện tại, TKV đã đầu tư 7 nhà máy điện với tổng công suất thiết kế 1.730 MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ hàng năm của TKV từ 9,5 -10 tỷ kWh, với doanh thu 12,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Thời gian tới, mục tiêu chiến lược của Tập đoàn là xây dựng TKV thực sự trở thành một Tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, có thương hiệu và sức cạnh tranh trong khu vực, có cơ cấu sản xuất - kinh doanh hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực SXKD than - khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; cơ khí, vật liệu xây dựng; mở rộng hợp tác kinh doanh quốc tế; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy các ngành kinh tế đất nước cùng phát triển.

(Nguồn: TKV)