Tại cuộc họp, báo cáo công tác chuẩn bị, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho hay, Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra tại 46/63 tỉnh, thành. Hiện, chỉ còn 17 địa phương, Bộ chưa kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, nhìn chung, các địa phương rất ủng hộ ngành giáo dục khi chuẩn bị đầy đủ về nhân sự và cơ sở vật chất cho kỳ thi năm nay.
“Chậm nhất đến ngày 7/8, toàn bộ công tác chuẩn bị cho kỳ thi sẽ sẵn sàng bao gồm cả việc lựa chọn nhân sự và tập huấn.
Theo ông Trinh, trong quá trình kiểm tra 46 địa phương vừa rồi, các đoàn kiểm tra đều lưu ý các địa phương có phương án dự phòng về tình huống thiên tai bất thường, dịch bệnh, trong đó có Covid-19 và bạch hầu. Vì thế các địa phương đã có dự phòng, chủ động.
Bộ cũng đề nghị các địa phương nắm tình hình diễn biến dịch bệnh, quy mô của số học sinh bị tác động bởi dịch Covid-19 để xin ý kiến của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh báo cấp Bộ để triển khai trên tinh thần chủ động tổ chức kỳ thi.
Kiến nghị đeo khẩu trang ở phòng thi, giãn cách từ 1-1,5m
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay dù là địa bàn có đông thí sinh nhất cả nước nhưng tới thời điểm này địa phương đã sẵn sàng việc chuẩn bị thi.
Tuy nhiên, nhận thức tầm quan trọng công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe an toàn của học sinh là trên hết, TP Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn tùy theo từng cấp độ để các địa phương căn cứ thực hiện.
“Cụ thể, đối với phòng thi, điểm thi phải có nước sát khuẩn, thí sinh phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, tổ chức đo thân nhiệt, giãn cách khi phổ biến các quy chế thi. Trong phòng thi phải đạt cự ly giãn cách từ 1m -1,5m để đảm bảo không có lây chéo nếu có trường hợp xảy ra. Cùng đó có phương án các phòng dự phòng để các trường hợp F1, F2 hay những thí sinh đến thi có biểu hiện ho, sốt, khó thở có nơi thi riêng”, ông Quý kiến nghị.
Ngoài ra, ông Quý cũng bày tỏ mong muốn Bộ có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nếu dịch bệnh mà học sinh không dự thi được thì việc đánh giá, xét tốt nghiệp sẽ như thế nào.
Xét nghiệm Covid-19 với cán bộ tham gia sao, in đề thi
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay địa phương cũng đã sẵn sàng mọi công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Ông Đức cho biết, tại mỗi điểm thi, TP.HCM đều tổ chức phòng thi để đề phòng tiến hành cách ly các thí sinh diện F1.
Ngoài ra, cũng đã đảm bảo sẽ có một điểm thi dự phòng để phòng trường hợp khi số thí sinh diện F1 quá lớn thì có thể tổ chức thành một điểm thi riêng để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn.
TP.HCM cũng quyết định tất cả các thành viên tham gia công việc sao, in đề thi thì trước khi cách ly sẽ được cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo không có nguồn bệnh khi vào nơi cách ly. Việc này nhằm bảo đảm cán bộ có sức khỏe tốt, không ảnh hưởng đến công việc sao in đề thi.
Ông Đức bày tỏ băn khoăn về công tác chấm thi sắp tới của TP. HCM khi số lượng bài thi của địa phương lớn. Nếu tập trung tất cả giáo viên các phòng thi vào chấm tại một điểm tập trung thì phải lên đến 600 người. Việc này sẽ phạm vào quy định về tập trung đông người và nguy hiểm trong tình hình hiện nay nên cần Bộ GD-ĐT xem xét giải quyết.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, địa phương chuẩn bị 41 điểm thi và 14 điểm dự phòng. Cùng đó, Hải Phòng cũng đã rà soát giáo viên liên quan đến Covid-19 để có phương án thay thế.
“Những ngày qua, tất cả số giáo viên tham gia khâu sao, in đề thi đã được chúng tôi cho xét nghiệm để đảm bảo không có Covid-19”, ông Nam nói.
Nhiều băn khoăn nếu giãn cách
Ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho hay dù địa phương chuẩn bị khá tốt cho kỳ thi nhưng băn khoăn khi xử lý cụ thể việc phân loại thí sinh, tổ chức điểm thi, phòng thi.
Cao Bằng có khoảng 6.000 thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi.
Phương án ban đầu của địa phương bố trí 214 phòng thi tại 20 điểm thi. Nhưng nếu thực hiện giãn cách thì số phòng thi sẽ phải tăng lên thành 428 và điểm thi thành 40.
Ông Hòa bày tỏ lo lắng về việc điều chỉnh giãn cách và tổ chức điểm thi riêng sẽ gặp khó khăn ở khâu in sao và bảo quản đề thi.
“Đề thi hiện nay đang trong quá trình in sao và có đã có đăng ký theo từng phòng với mỗi túi là 24 đề. Giờ nếu tăng điểm thi và phòng thi thì có thể có nguy cơ lộ đề”, ông Hòa nói.
Ngoài ra, theo ông Hòa, việc bóc tách phân biệt đối tượng F1, F2 cũng đang gặp khó khăn, cần có hướng dẫn cụ thể. “Ngoài ra, theo công văn quy định thi thí sinh có biểu hiện ho, sốt thì được bố trí thi tại phòng thi dự phòng tại điểm thi. Nhưng ho, sốt đến mức nào thì được và không được dự thi; ai quyết định được việc này”, ông Hòa chia sẻ và mong Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, đến nay, cơ bản việc chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Trong bối cảnh gần đây dịch Covid-19 bùng phát khiến phát sinh nhiều việc, đặc biệt về tăng cường phòng dịch để đảm bảo kỳ thi thực sự an toàn. “Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên… tham gia làm thi, rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, không vì không đủ thông tin hoặc vì một số khó khăn mà có những quyết định không được cân nhắc kỹ”.
Theo ông Nhạ, còn gần 10 ngày nữa kỳ thi sẽ diễn ra và phải bám sát từng giờ diễn biến của dịch bệnh. Thời gian tới các địa phơng cần tiếp tục rà soát để làm tốt các công việc còn lại của kỳ thi.
Riêng một số địa phương có nguy cơ cao như Đà Nẵng, Quảng Nam, cần bình tĩnh bám sát diễn biến dịch để cùng Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế để có sự tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp phù hợp liên quan đến kỳ thi.
Phòng thi không được bật điều hòa, mở tất cả cửa Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ban chỉ đạo thi các địa phương phải làm nghiêm việc phân loại thí sinh theo nhóm. Trong đó, đối tượng F0 không thể dự thi. Các đối tượng F1, F2 phải tổ chức phòng thi, điểm thi riêng đảm bảo yêu cầu cách ly. Ông Tuyên cho rằng, cần phải huy động một lực lượng y tế vào cuộc để thực hiện để rà soát phân loại. Ngoài ra, những thí sinh bình thường cũng phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách trong phòng thi. “Đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc không bật điều hòa trong phòng thi, chỉ bật quạt, mở tất cả các cửa”, ông Tuyên lưu ý. Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19. Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Link tải Bluezone trên Android Link tải Bluezone trên iOS Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng. |
Thanh Hùng
Đà Nẵng kiến nghị dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Chiều 31/7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với 63 địa phương.