"Sự linh hoạt của ngòi bút và phong cách văn xuôi hấp dẫn của Tô Hoài có lẽ bắt nguồn từ chính quan niệm của ông: Cuộc đời như là văn chương”, nhà phê bình văn học Đỗ Hải Ninh nhận xét.
Nhà văn Tô Hoài |
Hội thảo tưởng nhớ một năm ngày mất nhà văn Tô Hoài do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Công ty sách Phương Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.
Điểm đặc sắc của Hội thảo lần này là sự xuất hiện của những gương mặt đặc sệt Nam Bộ, thậm chí có bạn còn rất trẻ nhưng cảm rất sâu và hay về một nhà văn lão làng miền Bắc bên cạnh những bài tham luận của các nhà văn phía Bắc.
Văn chương đậm chất Kẻ chợ
Có mặt tại Hội thảo, Phó chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói, cứ nhắc tới nhà văn Tô Hoài, những người cầm bút văn chương của Hà Nội, và cả nước, thấy ông luôn hiện diện, luôn đồng hành, ngỡ như không thể thiếu.
“Văn chương của Tô Hoài thấm đậm chất Kẻ Chợ trong giọng điệu, cái nhìn, nhân vật, phong cảnh. Ông viết nhiều về Hà Nội, cả chuyện xưa và chuyện nay, đã đành. Ngay cả khi ông viết về miền núi, về các chuyện lịch sử, dã sử, về những chuyến đi nước ngoài thì thấp thoáng trong và ngoài trang sách của ông vẫn là tính cách và cốt cách của một nhà văn Kẻ Chợ hóm hỉnh, tinh quái, khôn ngoan, rành đời”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định, nhà văn Tô Hoài đã thôi hiện diện ở cõi người ta, một năm và mãi mãi nhưng những tác phẩn của nhà văn Tô Hoài sẽ còn sống lâu ở cõi trần. Văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc. Riêng đối với Hà Nội, sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu. Nhờ ông, một người chưa biết Hà Nội chỉ đọc riêng sách của ông về chốn kinh thành này thôi đã đủ để hiểu Hà Nội là gì và thế nào. Nhờ ông, các thế hệ mai sau muốn tìm hiểu, muốn phục dựng, muốn làm lịch sử, nghệ thuật về Hà Nội đều có tư liệu của một chứng nhân đáng tin cậy.
Đặng Thị Thanh Hà, sinh viên năm 3 Khoa Báo chí truyền thông ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Tô Hoài đã đi qua một thời như thế của Hà Nội, với tư cách một chứng nhân. Được mệnh danh là “nhà văn của Hà Nội”, ngoài lý do ông sở hữu số lượng tác phẩm đồ sộ về vùng đất này, một nguyên nhân xác đáng hơn có lẽ ông chính là người đi vào tầng sâu cuộc sống của nơi này và phơi bày nhiều sự thật nhất về Hà Nội, kể cả những nỗi khổ nhục, những xấu xa, biến chất của một thời mà người kinh kỳ cũng muốn xóa nhòa trong ký ức”.
Cái nhìn bình thản trước mọi biến cố
Nhà phê bình văn học Đỗ Hải Ninh cho rằng văn chương của Tô Hoài Không chỉ hấp dẫn người đọc ở nguồn tư liệu tươi rói về đời sống văn nghệ một thời mà còn ở giọng kể và cách tạo không khí truyện kể trong tác phẩm của Tô Hoài. Dù ở thể loại nào, hồi ký hay tiểu thuyết, người kể chuyện trần thuật ở ngôi thứ nhất xuyên suốt ba tác phẩm Cát bụi chân ai, Chiều chiều và Ba người khác, vẫn là nhân vật giàu trải nghiệm, luôn chuyển dẫn từ quá khứ đến hiện tại nhờ hồi tưởng và liên tưởng với giọng kể hóm hỉnh thể hiện cái nhìn bình thản và an nhiên trước mọi biến cố...
Sự linh hoạt của ngòi bút và phong cách văn xuôi hấp dẫn của Tô Hoài có lẽ bắt nguồn từ chính quan niệm của ông: Cuộc đời như là văn chương”.
Các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài |
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận xét: "Văn chương Tô Hoài sẽ còn mãi, xanh biếc theo thời gian. Vì nó lưu giữ cho chúng ta đời sống. Vì nó phả lại nhịp đập của lịch sử. Vì nó nói lên câu chuyện muôn đời của kiếp nhân sinh. Sẽ còn có ai sau Tô Hoài làm công việc ấy cho thời này của chúng ta hôm nay?"
Còn Đặng Thị Thanh Hà lại có một góc nhìn rất trẻ, của một người trẻ nghĩ về thế hệ cha chú: “Lịch sử trong các trang viết của Tô Hoài, lịch sử đã được giải ảo, rất “khác”, và “mới”. Khác, không phải là đi ngược với những gì ta đã được biết trong sử sách, mà là cụ thể, phong phú, sống động vượt xa những dòng chữ ngắn gọn, có khi sơ sài, trong sách sử. Người đọc có khi sẽ giật mình, kinh ngạc, lẫn phẫn nộ vì những khung cảnh thời xưa hiện ra từ tác phẩm Tô Hoài. Lịch sử thực sự là thế này à? Đọc tác phẩm, cảm thấy Tô Hoài như đang nắm tay ta lôi tuột vào những ngóc ngách, hẻm hóc để nhìn vào cái bề sâu, bề sâu của những gì mà ta ngỡ như đã biết, biết rõ. Trước mắt ta, Tô Hoài như đang lật xới bề chìm, bề sâu đó, để phơi bày một khung cảnh “khác”, một lịch sử “khác”, lịch sử trọn vẹn của những thời, những vùng ông đã đến, đã sống, đã đi qua. Những bề chìm, bề sâu ấy có khi 'choảng' nhau với những điều đã trở thành chân lý, đã “hóa đá” trong suy nghĩ của nhiều thế hệ”.
Đồng thời cô cũng kêu gọi giới trẻ cần đọc sách Tô Hoài nhiều hơn nữa để thấy ngày càng trọn vẹn lịch sử và nhận ra bản thân mình chính là lịch sử. “Chẳng phải lịch sử trong những trang viết của Tô Hoài đều được dựng lên từ những người vô danh đó sao? Và lịch sử không phải là những gì đã xảy ra mà còn là những gì đang xảy ra quanh ta, từng giờ từng phút”, Đặng Thị Thanh Hà viết.
Nhà văn Tô Hoài (1920 -2014) được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Năm 2010, nhà văn Tô Hoài cũng được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. |
T.Lê