Vườn quốc gia Tà Đùng với diện tích khoảng 21.000 ha rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp. Vườn được thành lập năm 2018, vùng đệm giáp ranh với 7 xã của 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Về địa hình, Vườn quốc gia Tà Đùng là nơi giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, có giá trị quan trọng trong bảo tồn các loài gen đặc hữu, phòng hộ môi trường sinh thái.
Tà Đùng là nơi bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng của vùng Nam Trường Sơn, một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và 222 chim đặc hữu trên toàn thế giới. Vườn quốc gia Tà Đùng ghi nhận có tới 1.406 loài thực vật bậc cao trong đó có 89 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, có 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 27 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN.
Về động vật, Vườn quốc gia Tà Đùng có 574 loài thuộc 38 bộ, 124 họ trong đó có 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ, 34 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 37 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN và 3 loài thú đặc hữu cho Việt Nam.
Quanh vùng đệm của Vườn quốc gia Tà Đùng là nơi sinh sống của nhiều người dân đặc biệt là dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế khó khăn nên người dân thường vào rừng săn bẫy động vật bán lấy tiền.
Nhiều năm nay, để thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý phòng cháy rừng, phòng chống tội phạm đa dạng sinh học, Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng đã thành lập các tổ khoán rừng với lực lượng nòng cốt là cộng đồng người dân tộc ở hai vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.
Từ khi thành lập, các tổ khoán rừng đã tích cực tham gia công tác quản lý rừng được giao. Họ cùng với cán bộ của Vườn, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra phòng cháy rừng, phát hiện các đối tượng săn bắt động vật trái phép. Lực lượng tuần tra này làm việc cả ngày và đêm, quyết tâm không để các đối tượng đặt bẫy thú, xâm hại đến đa dạng sinh học vườn quốc gia.
Ông K’Măng (trú tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) từng tham gia tổ khoán rừng, cho biết, hiện sức khỏe không tốt nên con trai ông tiếp tục công việc của cha mình. Hằng ngày, ông K’Măng vẫn tích cực tham gia công tác tuyên truyền với người dân sinh sống quanh vùng đệm của vườn, người dân tại xã Đắk Som về công tác bảo vệ rừng, phòng chống nạn mua bán động, thực vật hoang dã.
Theo Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng, từ khi thành lập các tổ khoán rừng đã góp phần tích cực vào bảo tồn đa dạng sinh học. Người dân nhận đất rừng khoán tiến hành trồng cây Giáng hương trên lâm phần quản lý. Ngoài ra, tổ khoán rừng được xem là lực lượng tích cực cùng với kiểm lâm, ban quản lý vườn tham gia phòng chống các hoạt động vi phạm đến môi trường rừng như săn bẫy động vật, phá rừng làm nương rẫy, vi phạm vào diện tích đất rừng. Riêng 10 tháng đầu năm nay, lực lượng này đã gỡ 212 bẫy thú, 5 lán trại dựng trái phép trong rừng, nhổ bỏ 440 cây cà phê trồng trái phép trên diện tích 2.500m2, phát hiện và xử lý 1 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Ngoài chi trả kinh phí giao khoán rừng, Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng còn thuê nhân công là các hộ dân sinh sống quanh phần đệm làm việc cho Vườn, giúp họ có thêm việc làm, kinh tế cải thiện. Mọi người tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, phòng chống nạn săn bắn, mua bán động vật hoang dã. Người dân tham gia vào quản lý, trồng rừng bảo vệ rừng còn được trang bị thêm kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đó, khi trở về gia đình, buôn làng họ được ví như "đại sứ" truyền thông, vận động người thân, dòng họ, dân tộc mình về vai trò của bảo vệ rừng, bảo vệ động, thực vật hoang dã, không mua bán động, thực vật hoang dã.