Cách đây vài tháng, một hành khách chia sẻ chuyện “thưởng thức” tô phở giá 105 nghìn đồng tại tiệm BigBowl trong ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất đã khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thấy biển đề tô phở 55 nghìn đồng, anh này gọi một tô phở bò tái nạm và hai chai nước suối. Khi thanh toán, anh chàng “nghẹn họng” khi nhìn tờ hóa đơn có giá tới 145 nghìn đồng. Hóa ra, tiệm ăn này đã “lách luật” bằng cách tính thêm tiền thịt, cộng thêm tiền “suất người lớn”,… Nhẩm ra, nếu gọi một tô “thập cẩm”, khách sẽ phải trả tới gần 200 nghìn đồng. Anh chàng này ngán ngẩm: Giá trong sân bay có thể cao hơn bên ngoài nhưng không thể gấp tới bốn lần như giá chai nước suối, hay gấp ba lần giá tô phở. Mặt khác, việc niêm yết giá phải minh bạch, đúng nghĩa, chứ không thể lập lờ để khách gọi một món lại phải trả thêm các khoản tiền khác, trong khi họ không hề biết trước, khác gì đánh lừa.
Liên kết chuyện tô phở ở Tân Sơn Nhất với một chuyện khá “thời sự”: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới đây đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng ý chủ trương tăng phí phục vụ hành khách đi các chuyến bay nội địa tại bảy sân bay quốc tế . Nếu đề xuất này của ACV được chấp thuận, trước mắt giá thu với khách nội địa tại các sân bay nội địa nhóm A sẽ tăng lên 50 - 100% so với hiện nay.
Một số chuyên gia cho hay, vài năm gần đây, phí sân bay đã liên tục tăng, hầu hết các sân bay đã thu ở mức “kịch trần” theo quy định của Bộ Tài chính. Việc đề xuất tăng phí dịch vụ tại các sân bay nội địa của ACV đã khiến các hãng hàng không “đau đầu”, đồng thời cũng dấy lên lo ngại liệu phí sân bay tăng, chất lượng dịch vụ có tương xứng? Theo tính toán của Vietnam Airlines (VNA), chi phí đầu vào của hãng trong năm nay dự kiến bị đội lên hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, hai khoản thu mới gồm dịch vụ kiểm tra an ninh đối với xe suất ăn, xe chở xăng dầu và dịch vụ phân loại hành lý tự động, ở bốn sân bay lớn, tổng cộng một năm VNA phải trả hơn 100 tỷ đồng. Việc tăng phí sân bay sẽ buộc các hãng phải tính toán lại chi phí, giá thành để mỗi chuyến bay bảo đảm bù đắp chi phí cộng với lợi nhuận. Như vậy, cách duy nhất là tăng giá vé, cuối cùng phần thiệt thòi sẽ lại “rơi” vào đầu người dân.
Một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ xem xét kiến nghị tăng phí dịch vụ sân bay, trên cơ sở không để ảnh hưởng nhiều đến giá vé máy bay. Hiện tại, mức thu phí dịch vụ tại một số sân bay địa phương ở mức thấp, khiến các sân bay lớn phải chia sẻ, bù lỗ. Tuy nhiên, trên thực tế, giá phí dịch vụ tại các cảng hàng không ngày càng tăng, đang tác động lớn đến khai thác, trở thành gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không.
Gần đây, giá vé máy bay, nhất là các đường bay nội địa có nhiều giá rẻ, hợp lý, đưa hàng không tiệm cận với đa số người dân. Việc tăng giá phí dịch vụ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các hãng hàng không và tác động đến giá vé.
Hiện nay, ACV đang giữ vị thế độc quyền khai thác phần lớn dịch vụ quan trọng tại tất cả các sân bay trong cả nước. Trước đây, Bộ GTVT đã hô hào xã hội hóa đầu tư sân bay, nhưng khi triển khai đã gặp nhiều vướng mắc. Một số doanh nghiệp lớn trong nước đề xuất tham gia đầu tư tại các sân bay tiềm năng nhưng cơ quan quản lý chưa có một cơ chế, chính sách cụ thể nào về nhượng quyền khai thác sân bay. Việc thu hút xã hội hóa đầu tư sân bay nếu làm được, sẽ hóa giải được vấn đề vốn đầu tư, cũng như xóa thế độc quyền của ACV, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ tại sân bay. Nhưng đáng tiếc, chủ trương này vẫn chỉ nằm trên giấy!
(Theo Báo Nhân Dân)