Trong đơn kêu cứu khẩn cấp, ông Trần Kim Chung (71 tuổi) trình bày, tháng 9/2018, khi thực hiện xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương, UBND huyện Hóc Môn đã thu hồi hơn 113m2 nhà đất của gia đình ông ở ấp Đông Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, để thực hiện dự án. Đổi lại, gia đình ông được nhận bồi thường hơn 3,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do nhà đất này đang xảy ra tranh chấp giữa ông Chung và vợ cũ là bà Tôn Nữ Thị Trinh nên số tiền bồi thường hỗ trợ trên được Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn (Ban BTGPMB) chuyển vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước.
Hầm chui ngã tư An Sương |
Đến ngày 23/9 vừa qua, tại phiên phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM, xác định toàn bộ nhà đất ở ấp Đông Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM là di sản của bà Trần Thị Bông (mẹ đẻ ông Chung để lại riêng cho ông).
Theo Bản án phúc thẩm, tòa ghi nhận sự tự nguyện của các đồng thừa kế cho ông Trần Kim Chung được quyền sử dụng phần đất trên. Bản án cũng tuyên, ông Chung được liên hệ với Ban BTGPMB huyện Hóc Môn để nhận số tiền đền bù giải tỏa là hơn 3,4 tỷ đồng.
Sau khi nhận bản án, ông Chung đã hoàn thiện hồ sơ bổ sung để nhận lại số tiền của mình. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng từ ngày có đơn yêu cầu Ban bồi thường chi trả, Ban này vẫn cố tình đùn đẩy, né tránh, và thoái thác việc trả tiền cho ông Chung.
Quá bức xúc, ông Chung tìm đến Ban BTGPMB huyện Hóc Môn 'đòi' tự vẫn.
“Năm nay tôi đã ngoài 70 tuổi, sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn, thân mang nhiều bệnh tật, sống cô độc một mình. Gia đình tôi là gia đình liệt sĩ. Trong khi đó, điều kiện kinh tế lại hết sức khó khăn, không nhà cửa, hàng tháng vừa phải lo chạy tiền chữa bệnh lại vừa lo kiếm tiền trả tiền thuê nhà”, ông Chung mệt mỏi cho hay.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet về lý do chậm trễ việc chi trả bồi thường cho ông Chung, lãnh đạo Ban BTGPMB huyện Hóc Môn cho hay, do Quyết định bồi thường đứng tên cả ông Chung và bà Trinh nên cần phải điều chỉnh sang chỉ còn tên ông Chung thì mới chi trả số tiền này cho ông Chung. Hiện Ban đang trình sang Ủy ban huyện, khi nào có quyết định của Ủy ban thì chi trả.
Tuy nhiên, giải thích về việc “ngâm” tới gần 2 tháng trời vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc thì vị lãnh đạo này trả lời “có bao nhiêu hộ chứ có phải mình ông ấy đâu”.
Trước sự việc của ông Chung, luật gia Võ Thị Thanh Duyên (Hội Luật gia Việt Nam), cho hay: “Khi bản án đã có hiệu lực pháp luật nêu rõ số tiền này là thuộc sở hữu của ông Chung thì Ban BTGPMB huyện Hóc Môn cố tình trì hoãn, không chi trả tiền bồi thường cho ông Chung là có dấu hiệu xem thường pháp luật, tắc trách, nhũng nhiễu người dân.
Việc Ban BTGPMB cho rằng cần phải có thời gian để điều chỉnh quyết định bồi thường chỉ mang tên ông Chung là việc làm không cần thiết và cố tình đùn đẩy trách nhiệm lên UBND huyện thực chất là kiếm cớ để “hành” người dân.
Bởi, trong quá trình giải quyết vụ kiện, các cấp toà cũng đã có văn bản xác minh và Ban BTGPMB cũng đã xác định toà án tuyên cho ai được hưởng thì sẽ chi trả cho người đó. Việc Ban BTGPMB cho rằng có nhiều trường hợp như trường hợp của ông Chung là hết sức vô lý.”
Cục Thuế TP.HCM bị doanh nghiệp đòi bồi thường hơn 68 tỷ đồng
TAND TP.HCM vừa thụ lý đơn của Công ty Cổ phần may Minh Hoàng, khởi kiện Cục Thuế TP.HCM, đòi bồi thường hơn 68 tỷ đồng.
Thanh Phương