Kính thưa đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội,
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Các đồng chí Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Các đồng chí Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương,
Các đồng chí Lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí,
Thưa quý đại biểu dự Hội nghị,
Hôm nay, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023 nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đồng thời quán triệt việc tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Được sự phân công của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn, nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các đồng chí lãnh đạo, quý đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác đối ngoại những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Hội nghị của chúng ta tổ chức đúng vào Ngày 27/2, kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi xin gửi tới lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tất cả bác sĩ, y tá… cùng những người đã, đang công tác trong ngành y luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và có thật nhiều thành công trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Kính thưa các đồng chí,
Năm 2022, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta rất vui mừng về những kết quả khá toàn diện, tích cực của đất nước đã đạt được. Có 13/15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi nhanh, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
GDP tăng 8,02%, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 27,8% dự toán. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; xuất siêu 11,2 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… được tăng cường, để lại dấu ấn nổi bật. Có được kết quả đó, trước hết là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao, kịp thời, hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, giám sát của cử tri và Nhân dân cả nước.
Kính thưa các đồng chí,
Hội nghị đã được xem phóng sự phản ánh khá đầy đủ công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay, cũng như tóm tắt nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 mà Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã trình bày; đặc biệt là các tham luận phát biểu của lãnh đạo ban, bộ, cơ quan, tổ chức, nội dung hết sức sâu sắc, thiết thực, nhất là những kiến nghị, đề xuất để công tác đối ngoại của Quốc hội. Tôi đề nghị Thường trực Ủy ban Đối ngoại tiếp thu đầy đủ để tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện để công tác đối ngoại của Quốc hội đạt kết quả tốt hơn.
Kính thưa các đồng chí,
Kế thừa những thành tựu, bài học kinh nghiệm quý giá của các nhiệm kỳ trước; từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đã đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa hệ trọng, vừa cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả mục tiêu kép về phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đồng thời tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Góp chung vào thành công chung, có đóng góp tích cực công tác đối ngoại của Quốc hội. Quốc hội đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật về đối ngoại và các cam kết quốc tế của Việt Nam; triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương. Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Vượt lên những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương vẫn diễn ra sôi động theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với tinh thần đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương, Quốc hội đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất; tham gia tích cực các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế".
Có được những kết quả nổi bật đó, tôi cho rằng: hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên và hoạt động đối ngoại rất hiệu quả của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Bên cạnh đó là hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, mà đầu mối là Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội với các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, nhất là đối với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng và nhiều cơ quan, đơn vị khác. Cùng với đó là tinh thần trách nhiệm cao, hết mình với công việc của đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác đối ngoại, lễ tân phục vụ của Văn phòng Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và chân thành cảm ơn về những đóng góp quý báu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đối ngoại của Quốc hội thời gian qua; đồng thời xin chúc mừng các cơ quan, đơn vị, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị hôm nay.
Kính thưa các đồng chí,
Những thành tựu đối ngoại ngay đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đã tạo dấu ấn đậm nét và bước đà quan trọng cho công tác đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được xác định tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết 161 của Quốc hội, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng chương trình xây dựng luật của Quốc hội khoá 15, Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 09/01/2023 về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội 13 của Đảng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó chú trọng vị trí, vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Như báo cáo tại Hội nghị đã nêu, bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua một số hoạt động đối ngoại phải hoãn, thay đổi hình thức, điều chỉnh thời gian thực hiện cho phù hợp với tình hình dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới cũng như tình hình nội bộ ở nhiều nước, nên đôi khi còn bị động trong công tác chuẩn bị triển khai. Việc thu xếp các chuyến thăm, hoạt động tiếp xúc của Lãnh đạo Quốc hội nước ta với Lãnh đạo các nước phụ thuộc nhiều vào khả năng đón tiếp và các quy định khác nhau về phòng chống dịch ở các quốc gia ảnh hưởng đến việc trao đổi đoàn cấp cao của Lãnh đạo và một số Ủy ban của Quốc hội nước ta và Nghị viện các nước không thể triển khai theo dự kiến. Tại hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí bám sát, thực hiện tốt Chương trình đối ngoại năm 2023 của Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đã được Bộ Chính trị phê duyệt, cũng như của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục quan tâm thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; phục hồi kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, thúc đẩy quan hệ với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao nghị viện đa phương trên tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế; từng bước nâng cao vai trò nòng cốt, dẫn dắt, phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước.
Thứ ba, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thường xuyên, chú trọng giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Nâng cao chất lượng tham mưu trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về đối ngoại cũng như triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại trên kênh nghị viện, xác định trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ song phương, nâng tầm ngoại giao đa phương.
Thứ tư, triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trên kênh ngoại giao nghị viện trước yêu cầu mới của đất nước; chủ động tăng cường sự gắn kết và đảm bảo tính thống nhất giữa thông tin đối ngoại của Quốc hội với thông tin đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại.
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đối ngoại trên cơ sở thường xuyên cập nhật quy định, hướng dẫn mới, nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ để tham cho chắc, cho sắc; đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo, đề xuất chính sách và giải pháp cụ thể, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của công tác đối ngoại Quốc hội; chú trọng nâng cao năng lực đại biểu và cán bộ chuyên sâu về ngoại giao nghị viện, quan hệ quốc tế.
Tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để "tự diễn biến," "tự chuyển hóa", vướng vào tham nhũng, tiêu cực.
Nhân Hội nghị hôm nay, tôi đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội hết sức lưu ý những căn dặn, những yêu cầu cụ thể, chi tiết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cuộc làm việc về hoạt động đối ngoại của Quốc hội là: bất cứ hoạt động ngoại giao nào, phải chu đáo, an toàn và tuyệt đối không để xảy ra sai sót; các hoạt động quan trọng phải xây dựng thành kịch bản chi tiết, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Phải nghiên cứu kỹ các quy định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về công tác đối ngoại để thực hiện; cần chủ động công việc, chủ động tham khảo ý kiến của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài cơ quan. Duy trì nền nếp, kỷ cương công tác, đoàn kết, động viên nhau, luôn thống nhất thật sự, trách nhiệm hết mình với công việc. Phát huy năng lực, trình độ, thế mạnh của mỗi cán bộ, vừa kế thừa, phát huy, vừa đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vai trò tích cực của mình đối với các hoạt động của Quốc hội.
Kính thưa các đồng chí,
Năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Dự báo tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chủ động hơn nữa, kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo. Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chính là tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên do Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trì diễn ra tại Nhà Quốc hội ngày 14/12/2021. Chúng ta tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ tạo nên bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần đưa công tác đối ngoại của Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn, hiện đại, hiệu quả và thiết thực.
Xin kính chúc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cùng toàn thể các đồng chí dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!